Trào lưu và hoàn cảnh!
Hễ nhắc đến tấm thiệp mới cưới nào mà chủ nhân của nó còn đang là sinh viên thì kiểu gì câu chuyện cũng xoay quanh thắc mắc “hay là có gì rồi mà cưới sớm thế?”, chuyện “ăn cơm trước kẻng” giờ không còn là đề tài xa lạ, mà việc lấy chồng của các bạn sinh viên giống như một trào lưu mới là chủ đề hot trong giới sinh viên dạo gần đây.
Bước chân vào một lớp (ĐHVH ) nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi tất cả những câu chuyện rôm rả được đem ra tám không có một chủ đề gì khác ngoài chuyện…chồng con. Cả lớp được một phen ngã ngửa khi vào mùa cưới, có tới bốn bạn nữ trong tổng số 20 thuộc phe áo dài trong lớp cùng lên xe hoa.
Chuyện bầu bí trước hôn nhân thì cũng chỉ rơi vào một bạn, số còn lại đều vô cùng háo hức mong tới ngày cưới, mặc dù mới chỉ là sinh viên năm ba và…chưa ai có gì cả. Khi được hỏi thì cả ba bạn cùng hồn nhiên trả lời “thích thì cưới”, khái niệm cưới đơn giản tới mức dễ dàng hơn cả khái niệm yêu, với lí lẽ trước sau gì chẳng cưới, bây giờ còn đang mặn nồng thì cưới đi về còn được chồng cưng chiều, để vài năm nữa chẳng còn được như bây giờ đâu.
H.H vốn nghiện phim tình cảm lãng mạn, xem xong mấy bộ phim thấy những cặp vợ chồng sinh viên đưa đón nhau đi học, về nhà chí choé cười đùa hồn nhiên cũng nằng nặc đòi cưới, trong khi người yêu cũng mới là sinh viên năm ba và hai người còn đang sống cảnh thuê nhà.
M.T (CĐ KTKT) chấp nhận lên xe hoa khi bạn bè vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường vì may mắn yêu được anh “đại gia” ở cách nhà không xa, vậy là mặc dù mới quen và yêu được tròn 6 tháng nhưng M.T đã vội vàng về nhà chồng vì nơm nớp lo anh đại gia đi lấy người khác.
Có những bạn sinh viên nhìn bạn mình háo hức mang những bộ ảnh cưới đẹp long lanh như trên phim Hàn Quốc tới lớp khoe tíu tít, rồi rộn ràng chuẩn bị cho ngày trọng đại, đi học thì có chồng đưa đi đón về lãng mạn không khác gì trên phim...cũng muốn “được như bạn ấy”, rồi ỉ ôi với người yêu về một đám cưới tương lai gần.
L.H (HVTC) thì có một hoàn cảnh khác, đó là gia đình bạn gặp khó khăn về kinh tế, bố ốm nặng, một mình mẹ làm ruộng nuôi mấy chị em ăn học, số tiền vay vốn ngân hàng không đủ để bạn trang trải cuộc sống trong tình hình bão giá như hiện nay. Có người yêu từ hai năm nay, người yêu lại lớn hơn nhiều tuổi và đã đi làm nên gia đình cũng gợi ý việc tổ chức đám cưới luôn khi bạn còn đang học năm hai để chu cấp việc ăn học.
N.Y vốn được bạn bè biết đến là một sinh viên hiền lành chăm chỉ, gia đình ở Hà Nội có điều kiện vậy mà cũng đùng một cái thiệp hồng được phát đến tận tay từng người làm cả lớp được một phen giật mình rồi đoán già đoán non xem tại sao N.Y lại lấy chồng sớm vậy.
Một người bạn thân của N.Y mới cho mọi người biết là trong một lần đi khám phụ khoa bạn phát hiện ra mình bị bệnh, nếu không cố gắng có bầu bí sớm trước khi tiến hành phẫu thuật thì sau này sẽ khó có cơ hội. Giải pháp duy nhất là nói chuyện thẳng thắn với người yêu để lo cho tương lai của cả hai người.
Hạnh phúc hay dang dở?
H.H sống trong cảnh lãng mạn như trên phim với người chồng tính khí trẻ con không khác gì mình đúng tới khi...số tiền mừng đám cưới hết. Cất cuốn album cưới vào ngăn tủ, hai vợ chồng quay cuồng tính toán chuyện cơm dưa cà muối thường nhật thay cho những buổi đi chơi và ăn hàng như lúc mới cưới. Số tiền hai gia đình chu cấp eo hẹp, cuộc sống trở nên chật vật trước những lo toan hàng ngày, những cuộc cãi vã cũng bắt đầu nảy sinh từ đó.
M.T không được may mắn hạnh phúc tới khi hết tiền mừng như H.H, mà chỉ sau khi về nhà chồng được đúng một tháng, người chồng “đại gia” lộ đúng bản chất ham chơi và hám gái. Những cuộc tụ tập nhậu nhẹt suốt ngày, kết thúc bằng màn đi hát karaoke và nhà nghỉ khiến M.T cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, cuộc sống trở nên bức bối.
Bố mẹ chồng cũng tỏ ra coi thường khi cô con dâu không mang được đồng nào về nhà thì chớ, còn phải nuôi thêm khoản học hành tốn kém. Cuộc hôn nhân chóng vánh sau 6 tháng tìm hiểu đã phải trả giá đắt bằng tờ đơn li dị khi M.T mới tròn 21 tuổi.
Ngay cả L.H và N.Y, mặc dù hôn nhân được cả hai gia đình ủng hộ nhưng cuộc sống làm vợ và làm con dâu dường như vẫn chưa thực sự chu toàn khi cả hai còn quá trẻ và vướng bận chuyện trường lớp. N.Y sau khi sinh con còn vất vả ngày đêm trên giảng đường để trả nợ môn và tiếp tục chương trình bảo lưu. Kết quả học tập cuối khóa không làm ai hài lòng.
"Sáo ơi đừng vội sang sông..."
Đỗ đại học, đó không chỉ là cánh cửa đầu tiên mở ra với bạn, mà còn là niềm tin và kì vọng của bố mẹ và những người thương yêu vào tương lai của bạn.
Quãng đời sinh viên đó chỉ đủ để mỗi chúng ta trang bị cho mình một phông văn hóa và kiến thức bước vào cuộc sống sau này, và nó cũng đủ để nuôi dưỡng một tình yêu đẹp.
Còn cái kết của cuộc tình ấy, hãy dành cho khi bạn thực sự trưởng thành và có những quyết định sáng suốt cho cả cuộc đời mình. Đừng để những suy nghĩ bồng bột khiến con đường đi của mỗi người thêm nhiều vấp váp.
Theo Thùy Linh
VTC News
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi