Tổ ấm đầu tiên tại trung tâm Quỳnh Hoa thuộc về gia đình anh Phạm Quốc Sơn (SN 1986 ở Thanh Trì, Hà Nội) và chị Trần Hải Anh (phường Hồng Phong, TP Nam Định).
Vào trung tâm đã từ những ngày đầu, cả hai cùng đi biểu diễn trong các chương trình giao lưu. Quốc Sơn làm người dẫn chương trình còn Hải Anh làm diễn viên múa. Họ ngày càng thêm thân thiết.
“Trong những lần biểu diễn ở xa, sự quan tâm, chăm sóc ân cần của anh khiến trái tim mình rung động”, Hải Anh nhớ lại. Còn với Sơn, sau vẻ ngoài dịu dàng của vợ là một con người rất mạnh mẽ và đầy cá tính.
Hằng ngày, cứ mỗi sáng vợ chồng anh chị lại đến trung tâm Quỳnh Hoa làm việc, chiều về Sơn lại mở tiệm cắt tóc gần nhà để kiếm thêm.
Hiện giờ, vợ chồng anh chị đã sinh được hai cháu trai kháu khỉnh, tự tay xây dựng được ngôi nhà khá khang trang.
Khi được hỏi động lực nào để anh chị có được “quả ngọt” như ngày hôm nay, cả hai vợ chồng anh Sơn đáp: “Trong tình yêu, chỉ có sự chân thật mới làm nên hạnh phúc cho mình!”.
Bố mẹ Sơn cũng không giấu nổi mừng vui: “Ban đầu chúng bảo lấy nhau, vợ chồng tôi lo lắm vì cả hai đều không lành lặn thì sao xoay xở được mà làm ăn nhưng giờ thì chúng tôi có cháu để bế rồi”, bà Nguyễn Thị Ngoan, mẹ Sơn cho biết.
Chúng tôi đến “tổ ấm” thứ hai là anh Dương Văn Minh (1983 ở Bắc Giang) và chị Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1976 ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì) lúc họ đang cùng nhau gấp cuộn giấy để thành những con thú đồ chơi.
Cặp đôi “chị em” ấy đã bén duyên ở trung tâm này từ năm 2005. Anh Minh bị liệt từ nhỏ sau một trận ốm li bì. Tại Trung tâm Quỳnh Hoa, gặp người “chị gái” cùng cảnh ngộ và trái tim chàng bỗng loạn nhịp.
Khi tình yêu tới độ chín, khó khăn nhất của hai người không phải là từ phía những người xung quanh là sự ngăn cản của gia đình.
Thương cũng không nhớ đã về quê của Minh bao nhiêu lần nhưng dường như chính sự chân thành của người con gái ấy đã khiến gia đình Minh ngày thêm quý mến và vun đắp cho mối tình của hai người.
Tuy yêu nhau đã lâu nhưng vì hoàn cảnh, họ vẫn chưa thể kết hôn dù ở trung tâm, ai cũng xem họ như “vợ chồng”. Ngày qua ngày, cặp đôi ấy vẫn cần mẫn tạo ra những sản phẩm đồ chơi nhằm chia bớt gánh nặng cho trung tâm, vừa kiếm thêm đồng ra, đồng vào để hằng tháng vợ chồng lại về nhà bên nội, ngoại.
Bây giờ, hình ảnh anh chị trên chiếc xe ba bánh cùng nhau đi giao hàng, cùng nhau đi chơi đã không còn quá xa lạ với mọi người trong trung tâm và bà con trong khu vực.
“Nhiều khi thấy các cháu nhỏ chạy nhảy, vui đùa cùng gia đình chúng mình lại chạnh lòng và chỉ ao ước có được một đứa con. Nhưng cuộc sống của những người tật nguyền như chúng mình thế này thì mong ước ấy cũng chỉ để trong lòng”, chị Thương nói, đôi mắt đượm buồn.
Tại trung tâm Quỳnh Hoa, chúng tôi còn được nghe kể về câu chuyện tình mới chớm vài tháng của Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1992 ở Lạng Sơn) bị liệt hai chi dưới với chàng trai Đậu Đức Cường (sinh năm 1988 ở Thanh Trì, Hà Nội) hoàn toàn bình thường.
Hạnh vào trung tâm Quỳnh Hoa hơn một năm, Cường đang học thêm lớp trung cấp ngành công nghệ thông tin.
Trong một lần vào thăm trung tâm, Cường bị cuốn hút với vẻ hồn nhiên, thân thiện của cô gái tật nguyền xứ Lạng. Thời gian không nhiều nên Cường chỉ kịp xin số điện thoại và cứ thế tấn công.
Hằng tuần cả hai chỉ gặp nhau được một lần nhưng cũng đủ để tình yêu thêm đầy. Đang tạo hình thú đồ chơi bằng giấy cuộn, Hạnh chia sẻ: “Ban đầu, thấy anh ấy quan tâm, em cũng hơi nghi ngờ và có phần mặc cảm”...
Bà Đoàn Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Quỳnh Hoa cho hay: “Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã có 6 cặp đôi khuyết tật nên duyên chồng vợ. Với người trực tiếp đón nhận và chăm sóc các cháu như chúng tôi thì còn hạnh phúc nào bằng. Dù còn nhiều khó khăn nhưng Trung tâm luôn cố gắng động viên, vun đắp để cho các cháu được hạnh phúc, yên tâm sinh sống và làm ăn”.