Chuyện rác

TP - Tôi nhớ mãi những năm tháng còn nhỏ, được đi học lớp chuyên văn của huyện, xa nhà ở trọ tại một xã vùng biển. Thời ấy chưa có ga, chưa có điện, người dân vùng biển thường dậy sớm để quét từng chiếc lá rơi, ra đồng thu nhặt rơm rạ về nấu nướng.
  • Cây lúa được tận dụng từ rễ tới lá. Sau khi mùa màng thu hoạch thóc xong, rơm rạ được cắt về, chất thành cây rơm. Còn những cây chuối, trái thì ăn, lá thì gói bánh, thân nấu cho lợn ăn. Cây dừa lá lợp nhà, nước để uống, vỏ trái dừa dùng làm gáo, cây dừa được xẻ ra làm mái nhà…

Một nền nông nghiệp truyền thống mà ngày nay ta thường gọi là “nông nghiệp hữu cơ” dường như không có khái niệm về rác, không có chất thải. Mọi thứ đều được tận dụng.

Nét đẹp của văn hóa truyền thống là nâng niu mọi giá trị của cuộc sống, không bỏ phí một cái gì tạo hóa sinh ra.

Dường như sự “lãng phí” chỉ phổ biến trong thời hiện đại. Đó là vỏ những chiếc ti vi, những cái máy tính hỏng, rồi đến những chiếc điện thoại “nồi đồng cối đá” nhưng một ngày đơ ra, khởi động mãi không lên vì chai pin mà pin lúc hỏng cũng không biết dùng vào việc gì khác! Cứ thế, “rác của đời sống hiện đại” ngày càng nhiều. Nào túi giấy bóng, bao bì, vỏ lon bia, các loại đồ dùng bằng nhựa, bằng kim loại hư hỏng. Nghề đồng nát ra đời với những chiếc xe thu gom ban đầu có gắn chuông leng keng đổi dép đứt lấy kem, sau đó là những chiếc ba gác.

Cô tôi là người lớn lên trong thời bao cấp, cái gì không dùng được đều nhét hết vào gầm giường với hy vọng một ngày nào đó sửa chữa, tái sử dụng. “Cái gì anh chị vứt ra, hãy đưa cho tôi!” – khẩu hiệu của cô. Đến lúc, nhân khi cô đi vắng, con cháu moi gậm giường ra nào lốp xe đạp cũ, nồi đồng thủng, bát tô sứt, thậm chí vài viên gạch cong vênh xây nhà bếp còn thừa… Đem bán đồng nát để tránh ô nhiễm.

Cô tôi không thể hiểu nổi vì sao một chiếc điện thoại còn khá mới, vẫn sử dụng bình thường mà con cháu lại quẳng trong tủ chè, để mua điện thoại mới, thời trang hơn, lướt web nhanh hơn. Những cái điện thoại tiền triệu, bằng “gia tài” của người già, ấy thế mà chẳng mấy chốc trở thành “rác công nghệ”. Con cháu thường bảo: “Cứ ăn chắc, mặc bền như cô thì bao nhiêu nhà máy đóng cửa!”. Cô lại bảo: “Rồi cả cái làng này, cái xã này thành bãi rác mất thôi!”.

Lời cô đúng chẳng sai. Một cái “hợp tác xã mới” được ra đời mà việc của nó chẳng phải gì khác là mỗi ngày đi từng nhà để thu lượm hàng bì rác thải có hại với môi trường. Trên dòng kênh đọng lại nhiều bao bì, chai lọ, ô nhiễm, cá chết nổi bụng. Thanh niên ra quân cuối tuần đi dọn dẹp các lòng kênh.

Rồi những nhà máy xử lý rác thải được ra đời, những công nghệ tái chế hình thành một ngành công nghiệp mới. Con người bắt đầu nhận ra bất kỳ cái gì thừa thãi đều không tốt. Một lần đi Singapore, tôi được mời uống chai nước khoáng được quốc gia này sản xuất từ nước thải. Người ta nói với tôi: “Chất thải cũng là một nguồn tài nguyên nếu ta biết sử dụng chúng”.

Một giám đốc trong ngành thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long nói với tôi: “Sở dĩ công ty chúng tôi có lợi nhuận cao, thu nhập cho công nhân ổn định là nhờ tận dụng triệt để mọi phụ phẩm mà hồi trước thường vứt đi, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm”. Phần ngon nhất của con cá được xuất khẩu đi rồi, nhưng các phụ phẩm như da, đầu, đuôi, vây, xương, nội tạng được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Các kỹ sư nói: “Sau khi tính toán, công ty thấy phần lợi nhuận đem lại từ “phụ phẩm” thậm chí còn cao hơn lợi nhuận từ việc bán sản phẩm chính, bởi đó là một khoản lãi ròng”.

Trước kia, khi xuất khẩu tôm, người ta bóc vỏ, lột đầu đuôi vứt đi, ít ai biết trong vỏ tôm chứa nhiều chất can xi. Giờ đây, các phế phẩm ấy đang được dùng phục vụ công nghiệp phụ phẩm.

Nét đẹp của đời sống văn hóa hiện đại là hạn chế tạo ra rác và biến mọi thứ phế phẩm thành có ích.