Chuyện nhặt về 'ông chủ Tây Lương nữ quốc'

TP - Giới kinh doanh, bạn bè gọi là “ông chủ Tây Lương nữ quốc” vì ông chỉ tuyển nhân viên nữ. Ông là Nguyễn Xuân Vui - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Hàng không Việt Nam (AIRSECO).
Ông Nguyễn Xuân Vui bên những cộng sự toàn nữ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Nguyễn Xuân Vui bên những cộng sự toàn nữ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Thuật dùng người và những thị phi

Cty của ông Vui hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ), được Bộ LĐ-TB&XH xếp hạng tốp đầu trong làng XKLĐ. Có thời, một số tờ báo phong ông Vui là “Vua xuất khẩu lao động Trung Đông”, bởi ông và Airseco có công khai mở và chiếm lĩnh thị trường này. Những năm qua, Cty đưa được trên 2,2 vạn lao động ra nước ngoài làm việc. Hiện Cty quản khoảng một vạn lao động đang làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia,
Trung Đông...

Lúc cao điểm nhất, AIRSECO có hơn 200 cán bộ nhân viên nữ làm việc trong và ngoài nước. Ngoài ông Vui ở vị trí cao nhất Cty, chỉ vài quý ông được ưu tiên làm lái xe, bảo vệ... những phần việc phái đẹp rất khó làm. Cán bộ nữ của ông Vui được tuyển chọn theo chuẩn đặc biệt 4 ngoại: Ngoại thương, Ngoại ngữ, Ngoại giao, Ngoại hình.

Ông Vui nói: “Làm XKLĐ, tiếp xúc các đối tác nước ngoài, cán bộ không chỉ xinh đẹp, dễ mến mà phải giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, ngoại giao, am hiểu lịch sử văn hóa mỗi quốc gia - nơi lao động đến làm việc. Đó là nét đẹp của AIRSECO”.

“Tôi từng nói với anh ấy, sao không chọn một cấp phó là nam giới mà mình tin cậy để giao việc, nhưng anh bảo khó tìm lắm. Vì nhân viên toàn nữ nên bao việc nặng, hệ trọng anh tự làm hết, vừa làm sếp, vừa làm cu li. Bao năm gia đình ít được đi nghỉ mát với nhau. Triết lý sử dụng cán bộ nữ của anh ấy cứ như là bị trời đày vậy” - Bà Nguyễn Thị Hồng, phu nhân của ông Vui.

Việc ông Vui chỉ tuyển nữ vào Cty bỗng thành sự lạ và người ta đồn đoán khá nhiều. Người ta đồn, trong sự nghiệp, ông Vui từng bị bạn thân phản bội, từng có những mất mát, cay đắng bởi những người đàn ông. Nhưng ở những mốc thời gian đen tối nhất, ông đều có những người phụ nữ và cộng sự nữ trung thành bên cạnh.

Một người quen của ông Vui kể, ông Vui có 2 ngày sinh. Một ngày ông được sinh ra và một ngày ông từ cõi chết trở về. Đó là lần bác sỹ thực hiện ca mổ tim mà tỷ lệ thành công được dự đoán rất thấp. Thường thì trước những tình huống như vậy, người bệnh dặn dò người thân, phòng khi không thể trở lại. Nhưng ông Vui không làm vậy.

Trước khi bác sỹ đưa ông vào phòng mổ, có một con bướm trắng đậu vào cáng đẩy. Nghe nói, từ khi bố mất, trong các sự kiện trọng đại của đời mình, ông Vui thường thấy sự xuất hiện của con bướm trắng và nó đều mang lại sự may mắn, hóa giải mọi việc theo cách khác thường.

Trong ca mổ sinh tử đó, một nữ bác sỹ đã nắm tay ông và nói “em tin anh sẽ qua khỏi”. Ông Vui vào phòng mổ mà không trăng trối với ai điều gì. Sau lần thoát chết ấy, ông có thay đổi tâm tính, tin vào cảm nhận của mình hơn. Ông lấy ngày mổ tim tổ chức sinh nhật hằng năm, sau ngày sinh chính thức.

Người ta cũng đồn, ông không khoái đàn ông trong công việc. Một số người thân ông Vui nói, chuyện đó rất có thể, vì họ đã chứng kiến một số chuyện. Là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc nhưng ông Vui chưa bao giờ ngồi sau vô lăng của bất kỳ ai. Ông tự lái xe dù chặng đường cả ngàn cây số, không ký thác mạng sống của mình cho một tài xế nam nào...

Những tin đồn vẫn âm ỉ trong làng XKLĐ và người ta cố tình gán ghép hay xâu chuỗi nó vào nhau trong trường liên tưởng với cách sử dụng người đặc biệt của ông Vui.

Ông Vui và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Hồng Vân. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Sức mạnh của phái yếu

Trước những tin đồn, ông Vui chỉ cười mà không giải thích. Ông nói XKLĐ là lĩnh vực đặc biệt, phải làm việc thận trọng, nghiêm túc và tế nhị. Những gì liên quan trực tiếp số phận con người không thể hời hợt. Lao động trước khi ra nước ngoài phải được đào tạo nghề, định hướng, ngoại ngữ; phải nắm rõ và thống nhất với Cty về hợp đồng, mức lương, điều kiện công việc... Những phần việc này cán bộ nữ nhẫn nại, tỉ mẩn, chu đáo mới mang lại hiệu quả.

"Những người đàn ông nhếch mép khi tôi ngã ngựa. Lúc đó tôi đón nhận ánh nhìn của những nữ cộng sự vừa cảm thông vừa chia sẻ. Trong mắt tôi họ mới đúng là phái mạnh” - Ông Nguyễn Xuân Vui.

Đôi khi vài cử chỉ nhỏ của cán bộ nữ có thể hiệu quả hơn nam giới làm việc cả ngày. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố ở nước sở tại như: Lãn công, đánh nhau, tranh chấp hợp đồng, tử vong…, nếu xử lý không khéo, việc có thể trở nên nghiêm trọng. Cán bộ nữ vừa thấu hiểu, vừa nhẹ nhàng, chia sẻ... là chìa khóa hóa giải mọi việc. Nếu để những cái đầu nóng gặp nhau, sự việc có thể bị đẩy đi rất xa, có thể mất đối tác, mất thị trường, ảnh hưởng ngoại giao...

“Có lần, một lao động tử vong khi làm việc tại công trường được đền bù hơn 1 tỷ đồng. Đó là trường hợp xảy ra ở thị trường Trung Đông. Cán bộ nữ của chúng tôi đã bền bỉ đấu tranh với đối tác mới được họ đền bù như vậy. Sức mạnh đôi khi không nằm ở sự cứng cáp, gai góc; với phụ nữ sức mạnh nằm ở sự mềm mại, nhân hậu” - Ông Vui kể.

Các đối tác đến từ Nhật Bản, Trung Đông, Bắc Phi, châu Âu khi làm việc với AIRSECO thường rất mến dàn nữ nhân viên chuyên nghiệp, dịu dàng và biết cách giữ chân đối tác. Các đối tác thường nấn ná, lưu luyến khi đặt chân đến Tây Lương nữ quốc AIRSECO.

Ông Vui giải thích, nhân viên ở đây giỏi ngoại ngữ, ngoại giao nên các đối tác hài lòng, mọi việc được giải quyết theo hướng nhẹ nhàng, không đao to búa lớn. “Do yêu cầu của công việc làm XKLĐ dễ xảy ra kiện cáo, hỏng việc nên cần những cái đầu mềm mại...” - Ông Vui chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Vui, sự xinh đẹp và thông minh cũng mang đến nhiều bất tiện và phiền toái trong công việc. Phụ nữ có sự ghen tị, cạnh tranh theo cách của họ mà ông Vui cũng khó hiểu, khó gỡ, đôi khi bó tay. Chuyện yêu đương, lập gia đình, sinh con là các bài toán khó giải nhất về vấn đề nhân sự.

“Cũng có thỏa thuận mềm với chị em về việc cưới chồng, sinh nở... Sợ nhất là vài chục cô xin cưới, vài chục cô đi nghỉ tuần trăng mật, một số cô xin nghỉ đẻ cùng lúc. Không chủ động nhân sự, không có cách quản lý riêng thì đến nước giải tán Cty” - Ông Vui lý giải.

Sự quan tâm của lãnh đạo với nhân viên nữ cũng tế nhị. Từ việc đi công tác xa chăm chút những món quà, đến sinh nhật, cưới hỏi, sinh nở, lãnh đạo phải đặc biệt chú ý, quan tâm. Nếu để chị em chạnh lòng thì cũng khó mà chỉ đạo. Những rắc rối trong yêu đương, gia đình... đôi khi tổng giám đốc cũng kiêm luôn vai chuyên gia gỡ rối!

“Đôi khi tôi cũng thấy cô đơn giữa rừng hoa, vì có những chuyện, những công việc chỉ đàn ông mới san sẻ, gánh vác cho nhau được. Tôi cũng đã thử tuyển, bổ nhiệm cán bộ nam nhưng họ lợi dụng chức vụ trục lợi, chia bè kéo cánh, cạnh tranh quyền lực; cẩu thả và thiếu trung thực về tài chính mỗi khi có cơ hội làm ăn. Có lẽ tôi hợp với việc sử dụng cán bộ nữ...” - Ông Vui thổ lộ thay cho lời chào khi chia tay tôi.

Theo Báo giấy