Chuyện Lão Hạc, cậu Vàng, Chí Phèo, Thị Nở vẫn còn tiếp…

TP - Từ trước khi mộ và khu lưu niệm Nam Cao được công nhận Di tích quốc gia, dân làng Đại Hoàng đã biết nương theo độ nổi tiếng của những tác phẩm văn học để “làm du lịch”. Trên đường vào nhà Bá Kiến, những người phụ nữ bày mẹt bán chuối ngự, hồng xiêm đều có thể vanh vách kể chuyện Lão Hạc, Thị Nở, anh Chí... như chuyện phim giờ vàng.

Di tích trên đất nhà... Lão Hạc

Ngày 28/10, UBND xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia - Di tích Lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao. Nhân dịp này, từ những cao niên của làng Đại Hoàng (vào văn Nam Cao, nó trở thành làng Vũ Đại), chúng tôi được biết thêm một số câu chuyện xung quanh nguyên mẫu của các nhân vật Chí Phèo, Thị Nở và Lão Hạc.

Nhà văn Kim Lân trong vai Lão Hạc.

Ông Trần Hữu Vịnh, hậu duệ của nhà văn Nam Cao, hiện là người trông coi khu tưởng niệm cho biết: “phần đất hơn 5.000 m2 này xưa chỉ có một phần là sở hữu của gia đình Nam Cao, phần còn lại là đất của hai cụ Trùm San và Trùm Luông, những nguyên mẫu để nhà văn xây dựng nên nhân vật Lão Hạc”.

Ông Vịnh cũng nói thêm: chữ Trùm ở đây không có nghĩa là đại ca giàu có, quyền lực mà là Trùm họ đạo Thiên Chúa. Dân Đại Hoàng, Hòa Hậu (sát tỉnh Nam Định) đa số đều họ Trần, theo đạo rất đông. Bản thân Nam Cao cũng là người theo đạo, ông có tên thánh là Giuse Trần Hữu Tri.

Tượng Chí Phèo, Thị Nở được dân Đại Hoàng mua về đặt ở nhiều nơi.

Giống như số phận Lão Hạc, gia cảnh ông Trùm San thuộc loại nghèo khó. Thực ra, cả làng Đại Hoàng những năm trước Cách mạng Tháng Tám đều nghèo.

Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hòa Hậu (1947-2010) có ghi lại: “Từ khi phát xít Nhật nhảy vào, người nông dân “một cổ hai tròng” phải chịu sưu, thuế nặng nề, chúng tung tiền ra mua nông sản phục vụ chiến tranh, người nông dân bị ép phải bán nông sản với giá rẻ mạt. Thêm vào đó là chính sách phá màu trồng đay của phát xít Nhật đã đẩy nhân dân vào nạn đói thảm khốc tháng 3 năm 1945 làm cho hàng nghìn người dân trong huyện chết đói. Riêng ở các làng thuộc Hòa Hậu có hơn 500 người chết (làng Đại Hoàng có đến 420 người), nhiều gia đình có đến 3-4 người bị chết đói, có nhiều gia đình không còn một ai”...

Ông Trần Hữu Vịnh, người trông coi khu tưởng niệm và là hậu duệ của nhà văn Nam Cao.

Nhà ông Trùm San ở cạnh nhà Nam Cao. Ông lão chỉ có một người con trai tên là Thụ. Thời ấy, anh Thụ bỏ nhà đi làm phu cạo mủ cao su ở Nam Kỳ, sau mất tích, không có liên lạc gì với gia đình. Trùm San nghèo nhưng tốt bụng, nuôi con chó vàng mà ông thương nó như con.

Gần nhà Trùm San là nhà cụ Trùm Luông. Đây là một người đàn ông nghèo khổ, sống trong cô đơn. Không muốn tiếp tục cuộc sống cùng quẫn, ông Trùm Luông đã xin mồi bả chó của một người dân khác trong làng Đại Hoàng để tự tử và chết một cách bi thảm. Nam Cao đã quan sát từ hai con người này mà xây dựng nên nhân vật Lão Hạc.

Toàn cảnh khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao.

Năm 1982, khi đạo diễn Phạm Văn Khoa làm phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, ông đã tổng hợp từ ba truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao gồm Sống mòn, Lão HạcChí Phèo.

Vẫn là câu chuyện liên quan đến Lão Hạc, khi phỏng vấn họa sĩ Đức “nhà sàn” (con trai thứ của nhà văn Kim Lân – diễn viên đóng vai Lão Hạc), tôi được anh kể cho nghe một câu chuyện khá thú vị về nhân vật “cậu Vàng” trong phim.

Theo anh Đức, để chuẩn bị cho nhân vật này, đoàn phim và “ông cụ” (chữ anh Đức dùng để gọi bố mình) đã nuôi một con chó ta cả tháng trời để làm quen, song đến lúc ra hiện trường, nói thế nào nó cũng không “nhập vai” được. Đúng lúc ấy, trong số những người dân hiếu kỳ đứng xem, có một người chăn bò dắt theo con chó vàng khá lớn. Thấy chó diễn viên không hợp tác, người đàn ông này ngỏ ý cho đoàn mượn... “diễn viên”.

Rất thần kỳ, gần như không phải tập huấn gì, sau khi người chủ nói nhỏ vào tai chú chó: “từ nay ông này (chỉ nhà văn Kim Lân) là chủ của mày, mày phải nghe lời ông ấy nhé”, chú chó chăn bò lập tức vẫy đuôi ngoan ngoãn theo Lão Hạc Kim Lân ngay.

Quá trình quay phim sau đó diễn ra suôn sẻ là nhờ một phần công lao của “cậu Vàng” ngang đường xuất thế này. Khi phim đóng máy, vì quá thích “cậu Vàng”, nhà văn Kim Lân từng ngỏ lời mua lại nó nhưng người chủ không bán. Hỏi ra mới biết, chủ của “cậu Vàng” có số phận khá giống Lão Hạc, là một người góa vợ, con trai ở xa, mình ông sống lẻ loi với con chó và coi nó như người thân của mình.

Chí Phèo, Thị Nở cũng là những phiên bản tổng hợp

Chí Phèo tên thật là Chí, quê gốc ở Đại Hoàng. Cha mẹ mất sớm, anh Chí vì nhà quá nghèo không có ruộng vườn nên phải đi làm thuê cho nhà địa chủ. Về sau, Chí chuyển hẳn sang nghề mổ lợn thuê.

Năm ngoái, khi ngồi với đạo diễn Hữu Mười tôi từng hỏi anh về giai đoạn làm “giáo Thứ” trong Làng Vũ Đại ngày ấy. Anh Mười kể: “Tôi mê tác phẩm của Nam Cao lắm, nên khi được mời vai thì nhận ngay. Lúc ấy cả đoàn có về Đại Hoàng, người làng kể, anh Chí mổ lợn có tiếng thần sầu, mổ xong anh chỉ xin đoạn phèo của con lợn và chai rượu, từ đấy người ta gọi là Chí Phèo để phân biệt với những Chí khác trong làng. Tôi đã hỏi người làng, phèo này khác với cái phèo bán ngoài chợ (thường gọi là lòng non), chỉ có một đoạn ngắn, là đoạn ruột ngon nhất mà những tay giết lợn thường “thủ” cho mình chứ không còn để bán ra. Câu chuyện về món phèo khiến tôi tò mò đến mức về Hà Nội đã dặn một nhà hàng quen là khi nào mua được thì nhớ gọi tôi qua ăn thử. Nhưng một số lần có hàng thì tôi lại bận gì đó, hoặc đang đi làm phim ở nơi khác, thành ra vẫn chưa biết thực hư nó thế nào”.

Hàng ngày, học sinh ở khắp nơi vẫn đến thắp hương tại mộ của Nam Cao.

Chí Phèo mổ lợn thực tế là người chất phác, chịu khó. Để điển hình hóa nhân vật, Nam Cao đã trộn Chí Phèo với một người đàn ông ngụ cư tên là Trinh. Theo lời kể của ông Vịnh, người này không gốc không gác đến làng Đại Hoàng sinh sống, uống rượu như hũ chìm, và uống xong thì thích chửi đổng, ăn vạ nếu ai vô phúc đụng phải ông ta.

Về người phụ nữ “xấu nhất trong văn học Việt Nam”, ông Vịnh khẳng định: “người này hoàn toàn có thật, tên cũng thật, là Trần Thị Nở, còn có họ hàng dây mơ dễ má với Nam Cao.

Theo lời các cụ cao niên thì Thị Nở là con gái ông Phó Kính làm nghề đóng cối xay. Thị Nở là một cô gái xấu xí, tính tình “hơi chập cheng” (từ nguyên văn) và có thói quen “bạ đâu ngủ đấy”. “Ông Nam Cao miêu tả thị vốn có một cái tật không sao chữa được, có lúc đột nhiên muốn ngủ, bất cứ ở đâu hay đang làm gì là tả thật đấy cô ạ”, ông Vịnh nói thêm.

Duy có điều khác với truyện, Thị Nở đời thực có chồng con danh chính ngôn thuận. Chồng thị chính là cậu của nhà văn Nam Cao tên là Đào. Anh Đào cũng đi làm thuê cho nhà phú hộ, nhà hai vợ chồng rất nghèo. Về sau, khi truyện ngắn Chí Phèo nổi tiếng, người nhà ông Phó Kính từng có đôi lần bày tỏ bất mãn với Nam Cao vì đã tả Thị Nở xấu quá, dở hơi quá khiến thị bị người làng cười rất lâu.

Tuy nhiên, Thị Nở này cũng chỉ là một nửa nguyên mẫu Thị Nở của “Chí Phèo”. Nửa còn lại thuộc về người đàn bà buôn trứng từng sinh con cho anh Chí. Đây là một người đàn bà đã có chồng con chứ không phải Thị Nở. Vì hay đi buôn trứng từ chợ Chanh (Nam Định) về ngang lò gạch, chị này thường bị Chí chọc ghẹo và đã ngã lòng. Sau khi mang thai và đẻ ra một đứa con trai với Chí, có tin vì xấu hổ nên người đàn bà ấy đã bỏ đi biệt tăm.

Tôi đến Đại Hoàng hơn một lần, và mỗi lần phiên bản Thị Nở, Chí Phèo lại như có thêm một vài chi tiết mới, hoặc sai lệch đi theo những câu chuyện cũ. Lâu dần, những thực thực hư hư ấy có vẻ đã không còn quá quan trọng nữa. Điều thú vị là, ở ngay quê hương của những nhân vật này, đã qua gần một thế kỷ những Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, Bá Kiến... vẫn đang được người dân nhắc lại, như một khẳng định âm thầm về sức sống của văn học, khi tất cả mọi thứ đều đã qua đi.