Chuyện lạ: Vườn cây chục tỷ đồng được mắc màn bảo vệ giữa rừng sâu

Ông Đinh Văn Oánh (62 tuổi, trú thôn 2, xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh) được mệnh danh là “vua cam” ở Hà Tĩnh. Ông trồng trên 2.000 gốc cam, mỗi năm cho doanh thu trên 5 tỷ đồng.
Ở vùng đất Khê Mây, ai cũng biết đến lão nông Đinh Văn Oánh (62 tuổi) với trang trại trồng cam theo quy trình sản xuất khép kín

Cam là thứ quả nổi tiếng ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh). Toàn huyện có hơn 2.000 hecta trồng cam, tập trung nhiều ở xã Lộc Yên, Hương Trà, Hương Thủy và đặc biệt là “thủ phủ cam” Khe Mây ở xã Hương Đô, thơm ngon nức tiếng.

Với hơn 2.000 gốc cam được sản xuất theo quy trình khép kín, lão nông Đinh Văn Oánh ở vùng đất Hương Đô được mệnh danh là “vua cam”, mỗi năm vườn cam cho doanh thu trên 5 tỷ. Trị giá vườn cam đặc biệt này có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Cách đây 20 năm, ông Oánh vào rừng núi Khe Mây khai hoang và bắt đầu trồng cam. Ông Oánh kể, hồi đó nhiều hộ dân cũng vào khai hoang nhưng hầu hết đều bỏ cuộc và không thành công với nghề.

"Cam của tôi trồng tận dụng được khí trời, nước trời. Tôi từng đưa nước lên núi tưới tiêu nhưng do độ chênh của dốc, điện yếu nên lượng nước nhân tạo rất ít", ông Oánh nói.

Ngoài say mê tìm hiểu thành tựu khoa học công nghệ để áp dụng thì ông là người rất kỹ tính trong nghề làm vườn. "Hễ thấy ai vứt vỏ cam dưới gốc tôi đều nhặt hết từng vỏ đưa về nhà, tránh hiện tượng gây nấm và tạo thêm độ sạch cho cam".

Ở vùng đất Khê Mây, ai cũng biết đến lão nông Đinh Văn Oánh (62 tuổi) với trang trại trồng cam theo quy trình sản xuất khép kín

Khi quả bắt đầu lớn, ông Oánh mắc thêm một chiếc màn màu trắng bao trùm toàn bộ cây

Ông Oánh cho biết, để cam “ngủ” trong màn là kỹ thuật trong sản xuất ông tự tìm tòi và nghĩ ra.

Mỗi góc màn đều được ông buộc chặt và lấy đá đè lên, tránh sâu bọ chui vào cây hại cam. Mỗi chiếc màn mắc cho cam có giá 150.000 đồng

Vườn cam này mắc màn từ rằm tháng 7. Mục đích của việc mắc màn cho cây, theo ông Oánh, là để tránh bướm đêm chích làm thối quả. Ngoài ra, để tránh ruồi vàng, bọ xít, sâu đục quả

Mỗi luống cam được ông Oánh cân chỉnh cẩn thận trước khi trồng. Vì thế, vườn cam của ông cây nào cũng thẳng hàng thẳng lối

Vườn cam của ông Oánh có hơn 2.000 gốc. Cây lâu năm nhất trồng được hơn 20 năm. Doanh thu mỗi năm trên 5 tỷ đồng.

“Mỗi kg cam đồng giá từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng. Cam có vị ngọt thanh. Tôi chủ yếu bán online trên trang Facebook cá nhân hoặc qua điện thoại. Cam sạch, chất lượng nên giá thành hơi cao. Ít thương lái mua sỉ số lượng lớn vì khi bán ra không còn lãi nhiều. Khách chủ yếu là từ Hà Nội. Họ tin tưởng nên mua ăn và làm quà biếu”, ông Oánh nói.

Ông Oánh cũng không chú trọng vào năng suất mà tập trung vào chất lượng. Vườn cam gia đình ông không phun thuốc hóa học. Ông luôn có sẵn máy test cá nhân để test độ sạch, máy kiểm tra độ đường, kiểm tra phân bón và thuốc hóa học. Khi hàm lượng hóa chất vượt ngưỡng thì máy sẽ báo.

Hiện do tuổi cao nên ông giao vườn cho con trai cả Đinh Công Hữu Đức tiếp nối truyền thống trồng cam của gia đình. Anh Đức đã tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, về tiếp quản trang trại của bố mình. Anh mua cỏ vetiver về trồng tại vườn cam để chống xói mòn, tạo độ che phủ.

Hai bố con tranh thủ nhặt cam thối để vứt bỏ, tránh gây nấm và tránh dẫn dụ côn trùng vào vườn cam

Ngoài sử dụng các biện pháp sinh học, mắc màn cho cam, ông Oánh còn dùng ống dẫn dụ côn trùng bằng keo dính.

Mỗi đêm, ngoài mắc màn, ông Oánh còn bật điện cho trại cam để chống loài bướm đêm.

Theo Theo Vietnamnet