Chuyên gia Việt: 'VAR có thể giết chết cảm xúc bóng đá'

TPO - World Cup 2018 đã kết thúc các lượt trận vòng đấu bảng. Theo đánh giá của bình luận viên Vũ Quang Huy, việc sử dụng công nghệ trợ lý trọng tài video (VAR) ở kỳ World Cup năm nay mang lại một số điểm tích cực, nhưng cũng gây nhiều bất cập.

Trước khi đưa vào áp dụng tại World Cup 2018, công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (VAR) được thử nghiệm ở nhiều giải đấu, nhưng World Cup 2018 là giải đấu lớn đầu tiên VAR được áp dụng.

Theo đánh giá của bình luận viên (BLV) Vũ Quang Huy, về cơ bản, VAR đã mang lại những điểm tích cực, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập qua vòng bảng của World Cup 2018.

"Không thể phủ nhận VAR giúp các trọng tài đưa ra quyết định chính xác, giúp cho các trận đấu trở nên công bằng hơn và tránh những oan khuất. Đáng chú ý nhất phải nói đến tình huống ở trận Hàn Quốc thắng Đức 2-0. Trọng tài Mark Geiger (Mỹ) ban đầu không công nhận bàn thắng của Kim Young Gwon (Hàn Quốc) vào lưới tuyển Đức bởi lỗi việt vị. Nhưng sau khi nhờ sự trợ giúp của VAR, ông đã công nhận bàn thắng này, qua đó mở ra chiến thắng lịch sử 2-0 của đại diện châu Á, đồng thời tiễn nhà ĐKVĐ Đức về nước sớm.

Bên cạnh đó, nhờ VAR, các cầu thủ ý thức hơn, không lạm dụng hành vi chơi xấu, tiểu xảo, ăn vạ...bởi lúc nào cũng bị một hệ thống camera hiện đại giám sát 24/24.

Tuy nhiên, việc sử dụng VAR nhiều khi khiến người xem... tụt cảm xúc. Nhiều tình huống người xem đang hưng phấn thì trọng tài lại dừng lại và tiêu tốn quá nhiều thời gian để xem băng ghi hình. Nói quá lên thì VAR có thể giết chết cảm xúc trong bóng đá”.

BLV Vũ Quang Huy theo dõi một trận đấu tại World Cup 2018


Tính đến nay sau khi vòng đấu bảng kết thúc, các trọng tài có đến 24 lần quyết định thổi phạt đền, 18 trong số đó đã trở thành bàn thắng. Đây là kỷ lục chưa từng có trong lịch sử World Cup. Tuy vậy, việc áp dụng công nghệ VAR vẫn gây nhiều tranh cãi.

BLV Vũ Quang Huy lý giải, nguyên nhân lớn nhất gây nên tranh cãi là công nghệ VAR không được áp dụng triệt để và trọng tài vẫn giữ “cái tôi” quá lớn: “Nhiều pha bóng xem lại băng ghi hình rõ ràng là sai, nhưng trọng tài vẫn giữ nguyên quyết định. Điển hình như trong trận Argentina thắng Nigeria 2-1 ở lượt trận cuối vòng bảng, trọng tài Cuneyt Cakir không thổi phạt tình huống Marcos Rojo của Argentina để tay chạm bóng trong vòng cấm, dù đã ”tham khảo” VAR.

Chúng ta đều hiểu FIFA áp dụng VAR là muốn hướng đến cái tốt, hướng đến sự công bằng, nhưng mặt khác họ cũng không muốn biến trọng tài thành các cỗ máy robot trên sân. Chính vì vậy, bất luận như thế nào, trọng tài vẫn nắm "quyền sinh quyền sát" trong tay. Khi đó, nhiều quyết định được trọng tài đưa ra vẫn bị chi phối bởi cảm xúc. Chính điều này tạo nên sự không nhất quán, gây mâu thuẫn và dĩ nhiên gây ra tranh cãi. Nhìn chung, việc sử dụng công nghệ VAR vẫn chưa triệt để, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn và cần hoàn thiện thêm trong tương lai".

Bên cạnh VAR, việc áp dụng chỉ số fair-play để xác định thứ hạng các đội bóng, cũng là một vấn đề gây tranh cãi lớn sau khi các lượt trận vòng bảng kết thúc.

Ở bảng H, Nhật Bản và Senegal có cùng điểm, hiệu số, đối đầu và bàn thắng. Thế nhưng, đại diện châu Á giành vị trí thứ 2 và đi tiếp do chỉ có 4 thẻ vàng, trong khi Senegal có  thẻ.

Theo BLV Vũ Quang Huy, việc sử dụng áp dụng chỉ số fair-play "rất văn minh".

"Nhiều người chỉ trích Nhật Bản chơi tiêu cực, “đá ma” câu giờ, nhưng điều này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn ở cuối trận đấu với Ba Lan. Trong khi đó, chỉ số fair-play xét chung cho cả quá trình, ở cả 3 trận của vòng bảng", BLV Quang Huy nêu.