Chuyên gia Trung Quốc nghi ngờ Mỹ có thể mở thêm căn cứ quân sự ở châu Á

TPO - Các chuyên gia quân sự Trung Quốc hoài nghi khả năng Mỹ có thể triển khai kế hoạch mở thêm căn cứ quân sự mới ở châu Á.
Các binh lính Mỹ và Hàn Quốc tại một căn cứ quân sự gần Seoul. (Ảnh: AP)

Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ với kế hoạch của Washington về việc đưa các tên lửa tầm trung đến khu vực, tuyên bố “sẽ không đứng im” nếu Mỹ làm điều đó.

Ông Ren Guoqiang, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hôm 29/8 nói rằng Trung Quốc đang theo dõi kế hoạch của Mỹ.

“Phía Mỹ nên cẩn thận với lời nói và hành động của mình. Trung Quốc “kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như hoà bình và an ninh ở khu vực”, ôgn Ren nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper gần đây cho biết Mỹ có kế hoạch triển khai thêm tên lửa đến châu Á trong thời gian tới, nhưng sau đó ông nói rằng Lầu Năm góc muốn đầu tư thêm các căn cứ ở châu Á – Thái Bình Dương.

“Các đồng minh và đối tác của chúng tôi muốn chúng ta dẫn dắt, nhưng để làm được điều đó chúng ta phải hiện diện ở khu vực”, ông Esper nói trong bài phát biểu ở Trường hải chiến Mỹ.

“Không phải tất cả, nhưng chúng ta phải có mặt ở những vị trí chủ chốt. Điều này có nghĩa là phải tìm cách mở rộng các vị trí có căn cứ, đầu tư thêm thời gian và nguồn lực vào những nơi chúng ta chưa từng có mặt”, ông nói. 

Mỹ vận hành hơn 40 căn cứ quân sự ở khu vực, nhiều căn cứ trong số đó được đặt tại các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc. 

Ông Patrick Cronin, công tác tại Viện nghiên cứu Hudson, nói với trang tin Defense News rằng một số phần của Đông Nam Á mà Mỹ có thể mở rộng hiện diện. 

Theo ông Eric Sayers, cựu trợ lý đặc biệt của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Yap - phần cực tây của liên bang Micronesia - và Palau có thể phù hợp để Mỹ mở căn cứ không quân.

“Điều đó giúp chúng ta đa dạng hoá các vị trí, làm phức tạp kế hoạch của quân đội Trung Quốc và tránh phụ thuộc vào các căn cứ lớn dễ hứng chịu tấn công, giảm bớt rủi do chính trị - ngoại giao vì phải phụ thuộc vào những nơi như Philippines, ông Sayers nói.

Nhưng các nhà phân tích của quân đội Trung Quốc hoài nghi về triển vọng Mỹ mở căn cứ quân sự mới ngay gần nước này.

Ông Zhao Xiaozhuo, một sĩ quan cao cấp đang công tác tại Học viện khoa học quân sự Trung Quốc, nói rằng chấp nhận cho Mỹ mở căn cứ quân sự sẽ khiến dư luận trong nước phản ứng và phá hoại quan hệ ngoại giao của nước đó.

“Trung Quốc có tất cả mọi suy nghĩ và tiết lộ chúng từ rất sớm, nhưng còn một chặng đường dài để có thể làm được”, ông Zhao nói.

Một sĩ quan cấp cao khác trong Học viện quân sự Trung Quốc đề nghị giấu tên cũng nghi ngờ khả năng Mỹ mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực, cho rằng kế hoạch này “chắc chắn sẽ đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc vào tình thế an ninh khó xử.

“Một số nước sẽ không hy sinh quan hệ thân thiện với Trung Quốc để gần gũi với Mỹ về quân sự. Còn nếu Mỹ thực sự mở căn cứ mới ở các nước Thái Bình Dương, liệu chúng có thể đóng một vai trò lớn trong việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc khi nằm rất xa bờ biển Trung Quốc như thế”, sĩ quan nói.

Adam Ni, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại ĐH Macquarie ở Sydney, cho rằng Trung Quốc có thể tìm cách ngăn cản các nước láng giềng cho phép Mỹ mở căn cứ quân sự bằng các biện pháp kinh tế và ngoại giao.

“Trung Quốc sẽ dùng các đòn kinh tế và ngoại giao để ngăn cản Mỹ cạnh tranh tiếp cận...thông qua việc mua tài sản, lập liên doanh hoặc sử dụng công cụ ngoại giao”, ông Ni nói.

Theo ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S. Rajaratsam ở Singapore, các nước Đông Nam Á đang mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ và những cường quốc khu vực khác như Úc, vì sức mạnh quân sự của họ không ăn nhằm gì so với Trung Quốc.

Nhưng chuyên gia này cho rằng bước đi của Mỹ có thể gây ra những thách thức trong nước.

“Về tổng thể, nó sẽ càng khiến cuộc chạy đua ảnh hưởng ở khu vực căng thẳng hơn...Các bước đi của Mỹ và Trung Quốc do đó sẽ gây ra nhiều bất ổn chiến lược hơn, khiến chính phủ các nước khu vực sẽ phải dùng cách tự giúp đỡ mình, ví dụ như tự phát triển năng lực quân sự”, ông Koh nói.
 

Theo Theo SCMP