Chuyên gia nói gì về việc VFF sa thải HLV Miura?

Tại Hội nghị ban chấp hành VFF sáng nay, VFF đã quyết định chấm dứt hợp đồng sớm trước thời hạn 2 tháng với HLV Miura. Đây là một quyết định được hầu hết giới chuyên môn, các chuyên gia trong nước đồng tình ủng hộ.
Các chuyên gia trong nước không đánh giá cao HLV Miura.

Việc HLV Miura bị sa thải không có gì là bất ngờ, khi xây dựng lối chơi cho U23 Việt Nam và ĐTVN được cho là không phù hợp. Đặc biệt, sau vòng chung kết U23 châu Á 2016, năng lực của HLV Miura bộc lộ nhiều hạn chế. Thậm chí có thông tin trong trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 UAE ở lượt cuối, các cầu thủ đã không nghe theo chỉ đạo của ông thầy người Nhật Bản, mà đã tự đá theo ý mình.

Trước khi chấm dứt hợp đồng với HLV Miura, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức là người phản đối mạnh mẽ nhất việc VFF tin dùng ông thầy người Nhật. Theo bầu Đức, một khi bóng đá Việt Nam còn làm việc với HLV Miura thì sẽ mãi không thể phát triển được.

Trong khi đó, sau khi biết tin HLV Miura bị chấm dứt hợp đồng, các chuyên gia trong nước hầu hết đều ủng hộ và cho rằng đó là một quyết định hợp lý, thậm chí hơi muộn ở thời điểm này.

Theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, ngay từ những ngày đầu, có thể đánh giá của HLV Miura về việc bóng đá Việt Nam ở trình độ thấp so với mặt bằng châu lục. Nhà cầm quân người Nhật từng không ít lần bày tỏ quan điểm này. Vì thế, thay vì xây dựng chiến thuật dựa trên nền tảng là các pha phối hợp để kiểm soát khu trung tuyến, nhà cầm quân người Nhật muốn học trò của ông giản tiện đến mức tối thiểu thời gian kiểm soát bóng ở khu vực giữa sân. Trái bóng luôn được đưa nhanh nhất lên tuyến đầu.

Điều này giải thích tại sao những cầu thủ giàu sức mạnh, có ưu thế về thể hình được HLV Miura trọng dụng. Và một khi yếu tố kỹ thuật chỉ xếp hàng thứ yếu, ấn tượng lớn nhất về đội bóng ấy là sức mạnh cơ bắp chứ không phải sự mềm mại trong lối chơi.

“Đây là sự lựa chọn trái ngược với xu hướng phát triển của bóng đá hiện đại. Thế giới bóng đá chưa bao giờ tồn tại sự ấn định những đội bóng cao lớn, hoặc khỏe hơn thì sẽ bước lên ngôi vô địch. Ngay cả đội tuyển Đức từng trung thành với triết lý bóng đá kỷ luật, thực dụng nhưng giờ cũng phải thay đổi theo xu hướng mềm mại hơn để thành công.”, chuyên gia Minh Huế nhấn mạnh.

Ở một góc độ khác, ông Huế cho rằng nền bóng đá của chúng ta thiếu sự đồng bộ. Cầu thủ có kỹ thuật thì yếu thể hình, thể lực và ngược lại. HLV Miura dẫu sao cũng chỉ là người làm thuê, cần thành tích. Sự lựa chọn của ông hướng đến tiêu chí an toàn.

HLV Vương Tiến Dũng cho biết những trận đấu gần đây ông không còn xem U23 Việt Nam hay ĐTVN thi đấu vì… quá chán. “Vì yếu hơn đối thủ nên phải dùng sức mạnh và kỷ luật để bù đắp cho những nhược điểm của mình.

Tuy nhiên, đó là một nhận định không đúng, bởi chúng ta vẫn có thể phát huy sở trường như cầu thủ U19 Việt Nam từng thể hiện. Xem U23 Việt Nam đá chẳng có tí bản sắc, dấu ấn nào, đội hình thì thay đổi xoành xoạch. Đó là một điều tối kỵ trong bóng đá bởi dường như chính HLV Miura cũng không chọn cho mình một lối chơi, một bộ khung ưng ý”, HLV Vương Tiến Dũng nhận xét.

Ông Dũng cho biết quan điểm của mình về việc HLV Miura bị sa thải sáng nay: “Đó là một quyết định đúng của VFF. Thậm chí tôi cho rằng HLV Miura cần bị sa thải sớm hơn trước đó. Chúng ta đã nhận ra quá rõ ông ta không phù hợp với bóng đá Việt Nam nhưng vì nhiều lý do mà VFF vẫn sử dụng”.

Theo HLV Nguyễn Thành Vinh, HLV Miura đã phá đi lối chơi truyền thống của bóng đá Việt Nam: “Những thành công của bóng đá Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại cũng đều gắn với lối chơi ít chạm, nhanh, nhỏ và nhuyễn. Đội tuyển Việt Nam đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2008 dựa trên nền tảng của hàng phòng ngự, nhưng là phối hợp để phản công. Còn tiếng vang của lứa cầu thủ Công Phượng trong màu áo đội tuyển U19 xuất phát từ thứ bóng đá đập nhả ăn ý.

Tuy nhiên, HLV Miura đã lựa chọn và xây dựng lối chơi dựa vào thể hình, thể lực. Rất nhiều cầu thủ trụ cột bị chấn thương, các cầu thủ tài năng lại không được chơi lối chơi sở trường, đồng nghĩa với việc không phát huy được điểm mạnh”.

Theo Theo Dân Trí