Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Có tàu hỏa cao tốc 350km/h cũng chẳng dám đi ​

TPO - Tốc độ đường sắt 350 km/h tiềm ẩn nhiều rủi ro cao. Thời tiết khí hậu của Việt Nam khắc nghiệt, đường sắt Bắc Nam đi qua nhiều địa hình hiểm trở như núi cao, biển. Chỉ một chi tiết nhỏ sẽ gây nguy hiểm cho đoàn tàu.
đường sắt cao tốc của Nhật Bản. ảnh minh hoạ

Tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2 năm 2019 do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) ngày 11/7, các chuyên gia kinh tế đã đánh giá về phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, phương án Bộ KH&ĐT đưa ra hợp lý hơn. Việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam có tốc độ vừa phải, xây dựng theo từng đoạn. Đoạn nào đông khách làm trước để giảm chi phí cơ hội. Chúng ta nên xây dựng đường sắt cao tốc thành 2 giai đoạn với chi phí hợp lý nhất.

“Với tốc độ đường sắt  350 km/h tiềm ẩn nhiều rủi ro cao. Thời tiết khí hậu của Việt Nam khắc nghiệt, đường sắt Bắc Nam đi qua nhiều địa hình hiểm trở như núi cao, biển. Chỉ một chi tiết nhỏ sẽ gây nguy hiểm cho đoàn tàu. Nếu có tàu cao tốc 350 km/h, tôi cũng không dám đi”, ông Phong cho biết.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã chỉ ra nguyên nhân có sự khác biệt giữa 2 phương án. Theo ông Lực, phương án của Bộ KH&ĐT chỉ cần 26 tỷ USD đầu tư trong khi Bộ GTVT đưa ra vốn 58 tỷ USD vì mỗi bộ căn cứ vào tốc độ. Tốc độ khác nhau kéo theo chi phí xây dựng, nhân công. Cùng với đó, 2 bộ đưa ra 2 lộ trình khách nhau vì vậy số vốn chênh lệch cao.

“Tôi cho rằng, tốc độ của đường sắt cao tốc Bắc Nam không nên quá cao. Tôi từng đi tàu hoả cao tốc ở các nước trên thế giới, tốc độ khoảng trên 200 km/h. Về vốn đầu tư, tôi nghĩ sẽ cao hơn mức 26 tỷ USD mà Bộ KH&ĐT đưa ra bởi lẽ liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, công nghệ hiện đại”, ông Lực nói.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, với dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, bất cứ phương án nào đưa ra đều tiềm ẩn rủi ro. Điều quan trọng nhất, đơn vị xây dựng phương án lường trước được rủi ro để cân đối.

“Trong tương lai, công nghệ thay đổi, chi phí thay đổi nên sẽ có rủi ro khi thực hiện. Phương án của mỗi bộ cần liệt kê rủi ro nằm ở đâu và biện pháp tối thiểu hoá rủi ro đó. Đặc biệt, để dự án có thể thực hiện, người đứng đầu phải giải trình và chịu trách nhiệm với quyết định”, ông Thành kiến nghị.

Trước đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phương án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại phục vụ chở khách địa phương và chở hàng hóa. Đồng thời đầu tư mới tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ chạy tàu 320km/h, tổng vốn xây dựng lên tới 1.344.459 tỉ đồng (khoảng 58,7 tỉ USD).

Bộ KH&ĐT lại đưa ra phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan, chiều dài hàng nghìn km, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam khoảng 200km/h mang lại hiệu quả và vốn đầu tư khoảng 26 tỷ USD.