Chuyển đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án cầu Đuống mới từ BQL 6 sang BQL đường sắt

TPO - Dự án nâng cấp tuyến vận tải thuỷ sông Đuống (Hà Nội), với hạng mục chính là xây dựng mới cầu đường sắt vượt sông Đuống và cầu đường bộ để thay thế cầu Đuống hiện hữu được chuyển cơ quan đại diện chủ đầu tư từ Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) sang Ban Quản lý dự án đường sắt.

Bộ GTVT vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 và Ban Quản lý dự án đường sắt khẩn trương bàn giao, tiếp nhận hồ sơ Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống - cầu đường sắt sông Đuống, đảm bảo Ban Quản lý dự án đường sắt thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư công kể từ ngày 17/6/2022.

Hai ban quản lý dự án có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hoàn chỉnh thủ tục chuyển tiếp vai trò chủ đầu tư của các hợp đồng đã ký; rà soát các điều kiện của hợp đồng để thực hiện thanh toán theo quy định hiện hành, đảm bảo không thanh toán trùng giá trị, khối lượng hoàn thành.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt sông Đuống) được Bộ GTVT dự kiến triển khai trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, tổng mức đầu tư 1.793 tỷ đồng. Dự kiến khởi công năm nay để hoàn thành vào năm 2025.

Phối cảnh phương án thiết kế cầu Đuống mới phục vụ riêng đường sắt và đường bộ trong tương lai thay thế cho cầu Đuống hiện hữu.

Mục tiêu của dự án là xây dựng 1 cầu đường sắt mới và một cầu riêng cho đường bộ để thay thế cầu Đuống hiện hữu đang kết hợp giữa đường sắt và đường bộ nối quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội). Do cầu hiện hữu xuống cấp nghiêm trọng, lại không đảm bảo về an toàn dòng chảy cho tàu đường thuỷ lưu thông.

Sau khi đầu tư hoàn thành, cầu Đuống hiện hữu sẽ được phá dỡ để đảm bảo khai thác hiệu quả tuyến đường thuỷ nội địa trên khu vực sông Đuống – sông Hồng, đảm bảo tĩnh không và ổn định dòng chảy để khai thác tàu container.

Tháng 3 vừa qua, Bộ GTVT đã lựa chọn phương án thiết kế cầu Đuống mới cho đường sắt và đường bộ, do Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm và Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng GTVT thực hiện.

Trong đó, cầu Đuống mới cho đường bộ dự kiến xây dựng cách cầu hiện hữu 100 m về phía hạ lưu; cầu Đuống phục vụ đường sắt sẽ đặt cách cầu hiện hữu 16,5m về phía thượng lưu.

Trong tổng mức đầu tư dự án 1.790 tỷ đồng, dự kiến chi phí giải phóng mặt bằng 770 tỷ đồng, xây dựng cầu khoảng 680 tỷ đồng, còn lại là chi phí quản lý dự án, dự phòng…