> Bị cáo vụ 'kỳ án Vườn Mít' được tuyên vô tội
> Xét xử lại kỳ án vườn mít
Kỳ án xảy ra cách đây 7 năm. Khi ấy Lê Bá Mai (SN 1982, quê Thanh Hóa, tạm trú tại xã An Khương, huyện Bình Long, Bình Phước) bị cáo buộc dùng vũ lực giao cấu với U. (SN 1993) rồi giết chết U. tại khu vực vườn mít xã An Khương. Cáo trạng được lập bởi Viện KSND tỉnh cho biết, khoảng 6 giờ ngày 12-11-2004, Mai đi rải phân trong vườn thì nhìn thấy H. và U. đang mót sắn cách chỗ Mai khoảng 50 m. Mai kêu U: “Bé ơi! Qua đây chú hỏi tí”, rồi kêu U. lên xe gắn máy đến một chỗ khác để nói chuyện. Khi đến khu vực vườn mít, Mai dùng tay bất ngờ chặt vào gáy U. làm nạn nhân ngã xuống đất và thực hiện hành vi giao cấu với U, rồi sau đó giết nạn nhân. Năm 2005, vụ án được đưa ra xét xử lần đầu tiên. TAND tỉnh tuyên án tử hình Mai về 2 hành vi “hiếp dâm” và “cướp tài sản”. Mai kháng cáo, đơn được chuyển đến tòa án tỉnh chỉ vài giờ, trước khi thời hạn kháng cáo kết thúc. Ở phiên tòa phúc thẩm do TAND Tối cao tại TPHCM mở, Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn tuyên Mai án tử.
Mai tiếp tục kêu oan. Cuối năm 2006, Viện KSND Tối cao ra kháng nghị giám đốc thẩm, phân tích hàng loạt sai sót của cơ quan tố tụng trong vụ án. Trong đó, nổi bật là những lời khai mâu thuẫn của H., bạn của nạn nhân U. Cụ thể, lời khai của nhân chứng: “lúc xảy ra vụ việc, U. cầm củ sắn đang ăn dở”; nhưng kết quả khám nghiệm tử thi nạn nhân không phát hiện loại thức ăn này. Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi thu giữ “một đôi dép Lào và chiếc quần quấn quanh cổ nạn nhân” nhưng lệnh nhập kho lại ghi “một đôi dép nhựa màu xanh và một cái quần màu trắng đục đã cũ”; còn phiếu nhập kho tang chứng lại ghi “một đôi dép màu trắng đã cũ”... Từ những căn cứ này, tháng 5-2007, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ra quyết định hủy hai bản án sơ và phúc thẩm và yêu cầu điều tra lại. Nhưng tháng 11-2010, Viện KSND tỉnh Bình Phước vẫn có văn bản cho rằng kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi bản chất vụ án và vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Lê Bá Mai.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai hôm 18-5 vừa qua, Mai xuất hiện trước vành móng ngựa với thân thể tiều tụy của một bị cáo đang đối diện cái chết. Bảy năm qua, tương đương 2.500 ngày Mai bị giam giữ. Vì lý do sức khỏe, Chủ tọa cho phép bị cáo ngồi trả lời thẩm vấn. Trả lời tòa, Mai cho rằng những lời khai nhận tội trong quá trình điều tra là do bị điều tra viên đánh đập, ép cung. Lần này, tiếng nói của Mai cùng luật sư bảo vệ cho bị cáo này đã được HĐXX lưu ý. Trong khi đó, công tố viên đại diện Viện KSND tỉnh vẫn bảo lưu quan điểm truy tố Mai, thậm chí đôi lúc còn gay gắt trước tòa. Cuối cùng HĐXX tuyên Mai vô tội.
Câu chuyện về con lừa
Những ai dự phiên sơ thẩm được xem làm thay đổi 180 độ số phận của Lê Bá Mai đều nhớ đến một tình tiết. Khi ngày thứ hai của phiên tòa tạm kết thúc, trong lúc cảnh sát chuẩn bị còng tay áp giải Mai về trại giam, Mai nhanh tay ném một vật về phía một người đàn ông luôn có mặt ở mọi phiên tòa suốt 7 năm nay, ông Dương Bá Tuân - chủ trang trại Vườn Mít (xã An Khương, huyện Bình Long, nay là huyện Hớn Quảng, Bình Phước), nơi xảy ra vụ án.
Vật mà Mai ném về phía ông Tuân là một con lừa nhỏ bằng ngón tay cái được kết bằng những sợi vải dù màu trắng. Dáng con lừa trông rất hiền lành với đôi tai cụp và đầu hướng xuống đất. Con lừa được Mai kết trong những ngày ở trong tù trước khi chờ đến phiên tòa này. Trên thân lừa, có dòng “Kính tặng hai bác”. Ông Tuân cầm con lừa mà mắt rưng rưng. Ông nói sợ đến ngày tòa tuyên án vì không biết số phận Mai có thay đổi hay lại lặp lại như những lần trước. Suốt 7 năm đeo bám phiên tòa, tình cảm giữa ông và Mai đã biến thành tình cảm như tình phụ tử. Nhiều người tham gia vụ án này cho biết, để Mai thay đổi được số phận, ông Tuân có vai trò rất lớn.
Theo lời ông Tuân, năm 2001, Mai rời quê vào làm thuê cho một chủ vườn ở thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) 4 tháng nhưng bị chủ vườn quỵt lương. Trong lúc cù bơ cù bất, một người biết hoàn cảnh của Mai đã giới thiệu cho người quản lý trang trại của ông Tuân. “Ngày ấy, trông thằng Mai nhếch nhác, đói rách không khác một gã ăn mày. Tôi đã chất vấn rất dữ dội với người quản lý trang trại về lai lịch nhân thân của Mai. Bởi khi ấy, Mai không có một giấy tùy thân lận lưng. Người quản lý nói với tôi, Mai nghèo, đói lắm nhưng làm việc rất tốt. Không nhận nó vào làm, rồi đây không biết nó lang thang tận đâu. Vì thế tôi cũng gật đầu, cứ cho làm, nếu nó làm không tốt và có hành vi bất minh đuổi cũng chưa muộn”- ông Tuân kể lại. Mai đã không phụ sự tin tưởng của người quản lý. Suốt thời gian làm việc, Mai đã dốc sức làm cho chủ, mặc dù kỹ năng quan hệ, tiếp xúc với người khác thì rất tệ. Ông Tuân nhận xét, từ khi vô làm (năm 2001) đến khi vụ án xảy ra, Mai là người giỏi nhất trong trang trại. Mai là người trung thực, thật thà, siêng năng, làm giỏi nhưng không bao giờ đòi hỏi quyền lợi.
Thấy Mai siêng năng, ông Tuân cho Mai làm quản công. Nhưng Mai vẫn cắm cúi làm như ngày trước. “Thế mà lại có chuyện oan nghiệt xảy ra. Lúc vụ việc xảy ra, khi ấy khoảng 12 giờ trưa 16-11-2004, tôi đang ở TPHCM thì nhận được cú điện thoại cho biết Mai bị công an xã bắt. Công an viên xã An Khương thì nhắn tôi rằng phải mang 20 triệu đồng lên đền cho người ta, và rằng thằng Mai đã giết người” - ông Tuân nhớ lại. Ông kể tiếp, sau khi biết Mai bị quy kết hành vi hiếp dâm và giết người, ông vẫn không tin, vì ông biết rõ tính Mai không thể làm chuyện đó.
Phiên tòa xét xử lần thứ nhất được mở lưu động. Ông Tuân kể, Tòa tuyên án tử hình mà Mai cứ cười vui vẻ, trong khi lòng ông Tuân thì đau như thắt. Tranh thủ lúc Mai bị dẫn giải về nơi tạm giam, ông Tuân chạy theo hỏi: “Vì sao con không làm lại nhận?”. Mai quay lại: “Không sao đâu bác, con không làm nhưng con nhận sau đó kháng cáo thì thôi”. Ông Tuân nghi ngờ Mai có người chỉ dẫn, nên cố hỏi. Mai mới cho biết, một ông bạn cùng phòng giam vốn là giám đốc Cty xuất nhập khẩu cũng bị tội tử hình, đã khuyên cứ nhận tội. Vào tù cỡ 3-4 năm thì ra thôi, nếu không sẽ bị đánh chết (?) Thế là Mai nghe theo.
Sau khi phiên tòa kết thúc 1 tuần, ông Tuân cứ loay hoay suy tính mọi cách để tìm giải pháp cứu Mai. Liên lạc với ông Lê Bá Triệu, bố Mai, ông Tuân biết gia đình Mai rất nghèo. Ông Tuân phải ra bưu điện chuyển tiền cho ông Triệu mua vé xe vào TPHCM và hướng dẫn ông lên Bình Phước để tìm đến nơi đang tạm giam Mai.
Năm lần bảy lượt ngược xuôi Bình Phước - TPHCM, ông Triệu đều được người của trại giam thông báo con ông đã làm đơn kháng cáo. Ông Triệu yên tâm, nhưng ông Tuân chẳng yên lòng, đưa tiền tiếp cho bố Mai lên gặp trực tiếp tòa. Tại tòa, ông Triệu quỳ nói, Mai là đứa con trai duy nhất của ông, ông tin con mình bị oan nên xin cho Mai được kháng cáo. Người phía tòa nghe xong, nói con ông đã kháng cáo rồi. Ông không chịu, xin thư ký tòa xem hồ sơ cho kỹ. Cuối cùng viên thư ký lục tìm hồ sơ, xem xong mới nói xin lỗi ông vì lầm vụ khác, Lê Bá Mai chưa có đơn kháng cáo. Khi ấy, chỉ còn một ngày nữa là hết thời hiệu kháng cáo của Mai.
Ngay trong ngày, ông Tuân nhờ luật sư cùng ông Triệu đến trại giam xin được gặp lãnh đạo trại. Phía trại giam cho biết Mai vừa có đơn kháng cáo. Và, đơn kháng cáo của Mai được gửi đi trong thời điểm hiệu lực kháng cáo chỉ còn vài tiếng đồng hồ…
Ngay sau khi TAND Bình Phước tuyên Lê Bá Mai vô tội, cả khán phòng như òa vỡ với niềm vui của những người dự khán. Em gái Mai, ông Triệu, ông Tuân đều rơm rớm nước mắt. Mai được trả tự do tại tòa và được ông Tuân đưa về trang trại làm một bữa ăn liên hoan.
Ông Tuân cho biết, từ ngày được tự do đến nay, tinh thần Mai vẫn chưa thể ổn định. Đôi khi Mai vui vẻ, đôi lúc hụt hẫng và hoảng loạn. Chiều hôm qua, Mai cũng đã đến nhà bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thăm và cảm ơn bà. Khi được PV hỏi, vụ án có thể chưa kết thúc nếu cơ quan công tố tỉnh Bình Phước kháng nghị, ông Tuân nói: “Tôi không tin phía Viện KSND tỉnh lại kháng nghị, vì mọi việc đã sáng tỏ và căn cứ pháp lý đã được TAND tỉnh nhìn nhận”.