Giữa năm 1964, “Tổng bộ” thông báo Ares chuẩn bị đón thêm người. Đó là toán biệt kích mang tên Eagle. Ngày 28/6/1964, 6 biệt kích trong toán Eagle nhảy dù xuống Bắc Giang với nhiệm vụ phá hoại hai tuyến quốc lộ số 1, số 4 và phá hoại tuyến xe lửa Mục Nam Quan; căn cứ không quân Mai Phả. Tuy nhiên, khi vừa tiếp đất cả bọn đã phải tra tay vào còng số 8. Điều đáng nói là tất cả tin tức và hoạt động vẫn được toán Eagle báo cáo về đầy đủ khiến “Tổng bộ” rất hoan hỉ.
1. Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng Thiếu tướng Lê Mai, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, một trong những cán bộ đã trực tiếp chỉ đạo Chuyên án BK63 từ những ngày đầu, vẫn còn minh mẫn. Nhắc lại chuyện xưa, Thiếu tướng Lê Mai bảo rằng đó là những ngày không thể nào quên.
Sau gần hai tháng bị bắt, trực tiếp thấy công an đối xử với mình và người thân trong gia đình, đặc biệt là với bà mẹ già, rất chu đáo, Phạm Chuyên đồng ý lập công chuộc tội, tham gia chuyên án.
Sáng 8/8/1961, sau gần 2 tháng mất liên lạc, “Tổng bộ” tại Sài Gòn nhận được điện từ đài Ares. Ares báo cáo tình hình tạm ổn, có thể liên lạc lại được, nhưng để đảm bảo an toàn thì khoảng cách giữa hai phiên phải thưa hơn, không như lịch truyền tin được.
Các sĩ quan tình báo tại Trung tâm dù đều là những người được CIA đào tạo bài bản, nhất là các phương pháp thẩm tra trên điện đài, sau khi kiểm tra đã chúc mừng Ares thoát hiểm và nhắc nhở chú ý đảm bảo an ninh.
Trong khi đó, cách trung tâm chỉ huy ở Sài Gòn hơn 2.000km, ở một bãi hoang thuộc xã Trạp Khê (huyện Yên Hưng), Phạm Chuyên ngồi gõ manip truyền tin, bên cạnh là các cán bộ Cục Bảo vệ Chính trị và Công an Hồng Quảng. Kết thúc phiên liên lạc, tất cả mọi người mới thở phào vì mọi việc diễn ra đúng kế hoạch.
Để chuẩn bị cho phiên liên lạc này, nhiều ngày trước đó, các cán bộ tham gia Chuyên án BK63 đã phải bàn bạc, đưa ra nhiều tình huống để có phương án xử lý.
Theo lời khai của Phạm Chuyên, trước khi kết thúc khóa huấn luyện về điện đài, tên Tý, người hướng dẫn Chuyên về điện đài đã mang máy ghi âm đến để ghi tín hiệu với mục đích cho central gián điệp nghe quen, đề phòng trường hợp khi Chuyên ra Bắc bị bắt, Công an Bắc Việt lấy được thiết bị và các quy ước liên lạc sẽ đánh tráo manip.
Không những thế, Tý còn huấn luyện Chuyên biết cách hội thoại trong lề lối thông báo giúp cho nhân viên báo vụ ở Trung tâm khi nhận điện nghe sẽ biết ngay điệp viên đang bị khống chế, bằng cách đài chính bắt nhắc lại một nhóm nào đó trong lúc đài đối đang chuyển điện, nếu có an ninh: nhắc lại tự do không theo quy luật nào.
Ngoài các biện pháp kỹ thuật là thêm những ký tự đã quy ước sẵn khi gõ manip để báo cho Tổng đài biết đang bị khống chế, trong quá trình hỏi đáp, tổng đài sẽ có những câu hỏi để thẩm tra xem đang trao đổi với điệp viên hay một đối tượng giả, hoặc điệp viên đang bị khống chế.
Tổng đài hỏi “Địa điểm tiếp tế bằng phi cơ ở đâu?”, nếu đang bị khống chế, điệp viên trả lời “Cát Bà” hoặc một điểm vu vơ nào đó; nếu không bị khống chế, trả lời “Chưa tìm được”…
Tuy nhiên, việc đứt liên lạc suốt gần 2 tháng vẫn khiến “Tổng bộ” nghi ngờ, vì vậy việc thẩm tra vẫn được thực hiện ở phiên liên lạc sau khi trong bức điện thứ 2 đã hỏi tình trạng máy truyền tin, nơi cất giấu.
Các trinh sát quyết định sáng tác bản tin cho Ares báo cáo về hai nơi chôn cất máy, có tọa độ, mốc đánh dấu bằng các cây rừng có gai góc, kèm theo việc này là một số tin tức hoạt động quân sự, kinh tế được lấy… trên báo.
Cho tới tháng 10/1961, sau vài lần thẩm tra nữa, “Tổng bộ” mới tin Ares thực sự vẫn đang hoạt động hiệu quả khi lần liên lạc nào, Ares cũng cung cấp rất nhiều tin về các hoạt động kinh tế rất chuẩn xác vì được trinh sát “copy” từ các báo. Với lý do cần có kinh phí và phương tiện để hoạt động, Ares đề nghị được tiếp tế sớm.
“Tổng bộ” yêu cầu Ares tìm địa điểm đón hàng rồi báo cáo cùng quy ước an ninh và ám hiệu nhận hàng. Sau khi tính toán, Ban chuyên án quyết định chọn nơi nhận hàng là khu Đầu Đá, một điểm trong Vịnh Hạ Long.
Ngày 16/1/1962, tàu Nautilus 1, chính là tàu đưa Phạm Chuyên ra Bắc, cùng với 10 thủy thủ từ Đà Nẵng mang theo 30 thùng đồ gồm máy truyền tin, vàng, tiền miền Bắc (tiền thật) lương thực, thực phẩm, vũ khí ra tiếp tế cho Chuyên. Sau khi toàn bộ hàng hóa đã tập kết lên bãi, toàn bộ thủy thủ cùng hàng hóa bị bắt gọn.
Trong khi đó, Ares thông báo không nhận được hàng, vì có thể đúng hôm chiếc tàu chở hàng ra tiếp tế đã bị giông lốc đánh chìm và đề nghị tiếp tục chuyển đồ tiếp tế ra. Cùng với đề nghị tiếp tế, Ares vẫn đều đặn cung cấp tin tức rất “giá trị” do các trinh sát tổng hợp hoặc sáng tác ra.
Hơn một tháng sau chuyến hàng đầu tiên, Ares bất ngờ nhận được thông báo Tổng bộ đã chuyển hàng ra và chỉ tọa độ cất giấu. Hàng hóa là 23 kiện lương thực, thuốc và 7 thùng vũ khí. Cho tới tháng 8/1963, Tổng bộ đã 3 lần tiếp tế bằng đường biển cho Ares. Tuy nhiên, lần này khi tàu bốc hàng trở ra thì bất ngờ bị công an vũ trang phát hiện truy đuổi, bắt được.
Với lý do việc tiếp tế bằng đường biển đã bị lộ, Ares đề nghị Tổng bộ tiếp tế bằng đường không. Đề xuất này lập tức được chấp nhận vì “Tổng bộ” cũng cho rằng tiếp tế bằng đường không sẽ được nhiều và nhanh hơn, lại ít nguy hiểm.
Sau khi đi tìm địa điểm, Ban chuyên án quyết định chọn địa điểm nhận hàng là Khe Ru (huyện Hoành Bồ), đây là một bãi cỏ trên đỉnh núi, xa dân, hướng bay từ đông bắc sang rồi thẳng ra biển, máy bay thả dù rất an toàn. Tín hiệu quy ước địa điểm nhận hàng là 3 cột khói hình tam giác ở giữa bãi.
Nhận được thông báo của Ares về địa điểm, “Tổng bộ” đồng ý ngay và thông báo chuẩn bị nhận hàng. Trước ngày hẹn, một tổ công an vũ trang cùng tổ công tác gồm 3 trinh sát và Phạm Chuyên dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Mai, lúc đó là Phó giám đốc Công an tỉnh, lên bãi thả chuẩn bị.
Đúng ngày hẹn, từ sáng, giữa bãi thả, 3 đống cỏ khô được chất lên, trên cùng phủ lá tươi để tạo khói. Đợi suốt một ngày mà không thấy máy bay đâu khiến ai cũng thấy bồn chồn. Cho tới gần 17h mới nghe thấy tiếng máy bay, lập tức 3 đống cỏ khô được châm lửa. Khi 3 cột khói bốc lên cũng là lúc chiếc máy bay bay qua, thả xuống hai cái dù hàng.
Sau lần tiếp tế này, với lý do mở rộng địa bàn hoạt động, Ares tiếp tục đề nghị tiếp tế ngoài lương thực, thuốc men, tiền mặt cần có cả vũ khí, thuốc nổ, máy ảnh, ống nhòm… tất cả những đề nghị này đều được đáp ứng.
Có chuyến, “Tổng bộ” thả xuống 30 thùng hàng, ngoài lương thực, thực phẩm còn trang bị cho Ares cả súng giảm thanh, máy ảnh, máy ghi âm và đặc biệt cả một bộ máy truyền tin đời mới nhất chạy bằng ắc quy khô chứ không cần quay ragono.
Cho tới khi kết thúc chuyên án, “Tổng bộ” đã tiếp tế cho Ares tổng cộng 6 chuyến hàng, 3 chuyến đường biển, 3 chuyến đường không, ngoài lương thực, thực phẩm, vũ khí còn có nhiều phương tiện, máy móc phục vụ hoạt động gián điệp, tiền, vàng, có chuyến thả tới 150 ngàn đồng tiền miền Bắc, một số tiền có giá trị rất lớn.
Nhưng quan trọng hơn, tin tưởng Ares mà “Tổng bộ” đã cung cấp 5 đầu mối gián điệp cài lại ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Cũng từ Ares, hai toán biệt kích khi được tung ra Bắc để “tăng cường lực lượng” đã bị bắt ngay khi chân vừa chạm đất.
Một bản tin do trinh sát sáng tác cho Ares.
2. Giữa năm 1964, “Tổng bộ” thông báo Ares chuẩn bị đón thêm người. Đó là toán biệt kích mang tên Eagle.
Ngày 28/6/1964, 6 biệt kích trong toán Eagle nhảy dù xuống Bắc Giang với nhiệm vụ phá hoại hai tuyến quốc lộ số 1, số 4 và phá hoại tuyến xe lửa Mục Nam Quan; căn cứ không quân Mai Phả. Tuy nhiên, khi vừa tiếp đất cả bọn đã phải tra tay vào còng số 8. Điều đáng nói là tất cả tin tức và hoạt động vẫn được toán Eagle báo cáo về đầy đủ khiến “Tổng bộ” rất hoan hỉ.
Hơn một năm sau, ngày 21/9/1967, toán Red Dragon (Rồng đỏ) gồm 7 biệt kích được thả xuống Hà Giang với nhiệm vụ phá hoại các tuyến quốc lộ và cơ sở kinh tế. Nhưng cũng như toán Eagle, vừa nhảy dù xuống, 7 “Rồng đỏ” đã bị bắt khi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra trong khi “Tổng bộ” vẫn nhận được các bản báo cáo.
Sau này, trong cuốn sách của dịch giả Vũ Đình Hiếu viết rằng: “Theo các dữ liệu trong các bản báo cáo về tất cả những gì liên quan đến toán Red Dragon, cho thấy có những bất đồng khá sâu sắc giữa hai trung tâm chỉ huy lực lượng biệt kích Mỹ và Việt Nam.
Người Mỹ tin là toán biệt kích đã nằm trong tay đối phương và bị khống chế, buộc phải gửi đi những bản báo cáo sai sự thật về cho SOG. Các sĩ quan quân đội Sài Gòn thì ngược lại, cho rằng toán biệt kích Red Dragon vẫn còn hoạt động, vì toán vẫn tiếp tục liên lạc từ năm 1968, cho đến 1969 mới chấm dứt”.
3. Thiếu tướng Lê Mai kể rằng để đảm bảo bí mật, suốt 10 năm thực hiện chuyên án, tổ công tác gồm 3 trinh sát và Phạm Chuyên toàn sống trong hang hoặc lán trại ở những khu rừng núi biệt lập. Ban đầu, tổ đóng ở Bãi Cháy. Nhưng khi máy bay Mỹ liên tục ném bom miền Bắc, nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh thì lại phải thay đổi.
Ngày ấy, cơ quan cũng ít ôtô, trong khi mỗi lần liên lạc bằng điện đài lại phải cần ôtô để chở máy. Vậy là tổ lại chuyển về Hà Lầm để đỡ phải đi lại. Nhưng về Hà Lầm chưa được bao lâu thì khu vực này bị ném bom, vậy là lại chuyển vào sống ở một hang núi ở Quang Hanh. Ở Quang Hanh, mỗi lần liên lạc lại phải dùng xe ôtô chạy lên Uông Bí để thay đổi tọa độ liên lạc.
Vừa lo đảm bảo an toàn, nhưng cái khó nữa là phải sáng tác tin tức báo cáo làm sao địch không phát hiện ra đang bị “ăn quả lừa”. Dù không theo định kỳ cụ thể nhưng thông thường cứ 10 – 20 ngày phải có một bản tin để báo cáo về “Tổng bộ”.
Suốt 10 năm, các trinh sát đã sáng tác tới gần 300 bản báo cáo, trong đó có cả những tình huống giật gân, như bị truy đuổi, bị bắt hụt, điều kiện hoạt động cực kỳ khó khăn…
Thiếu tướng Lê Mai kể rằng quy trình sản xuất báo cáo là các trinh sát soạn ra trình cho ông duyệt, sau đó ông lại trình về Bộ Công an để Cục trưởng Nguyễn Tài duyệt lần cuối rồi chuyển lại cho Ares phát vào Nam.
Nội dung tin về kinh tế thì tập hợp từ các báo và thực tế đời sống mà ai cũng biết, nhưng tin tức về quốc phòng an ninh thì phải tính toán.
Có lần “Tổng bộ” yêu cầu xác định tọa độ các cây cầu trên Quốc lộ 18 cần đánh sập, sau khi thị sát, Ban chuyên án quyết định cung cấp tọa độ những cây cầu đã hỏng để lập báo cáo. Sau khi địch ném bom, Ares lại có báo cáo kết quả rất chính xác rằng cầu đã hư hỏng nặng. Vì vậy mà uy tín của Ares ngày càng tăng. Về các công trình quốc phòng, rất nhiều báo cáo về trận địa pháo được trinh sát “sáng tác” như thật cho Ares báo cáo.
Tôi đã đọc trong hồ sơ chuyên án những bản tin viết tay do đồng chí Nguyễn Nhàn, trinh sát phòng Bảo vệ Chính trị Công an Hồng Quảng sáng tác vào năm 1967. Như bản tin ngày 14/7/1967, tức là chuyên án đã thực hiện được 7 năm, Ares vẫn báo cáo: “Vùng Quảng Khê - La Khê, tọa độ 930 - 160, có các cơ sở: Khấu, Đắc, Ốc, Hiển.
Các mục tiêu vùng này: có trận địa tên lửa hoạt động thường xuyên ở quanh vùng La Khê ở các tọa độ 89-17, 92-16, 92-18. Ở La Khê còn có một đơn vị huấn luyện Hải quân (khoảng 1B) và 1 lớp đặc công, nghe nói lớp đặc công thỉnh thoảng vào vùng Đà Nẵng đánh xong lại ra. Có các ụ pháo bảo vệ bờ biển đặt trên các núi ở tọa độ 94-20, 94-17. Kho xăng ngầm ở 90-16…”.
4. Mấy chục năm sau, trong cuốn sách “Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật”, cựu sĩ quan tình báo Mỹ Sedgwick Tourison viết rằng:
"Điệp viên ARES. Tôi biết anh ta quá đi chứ, tôi đã nghiên cứu hồ sơ của anh ta, anh ta có nhiều tên nhưng tên thật là Phạm Chuyên. Chúng tôi tuyển mộ để đánh anh ta quay trở lại Bắc Việt Nam năm 1961. Anh ta vẫn giữ liên lạc với chúng tôi ít ra là cho đến năm 1969 và tôi không biết rõ là anh ta hoạt động cho chúng tôi hay hoạt động cho Bắc Việt (…).
Trong cuộc chiến tranh này, cán bộ phản gián của Bộ Công an Việt Nam đã đối đầu với Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Bấy giờ các toán gián điệp người Việt Nam do CIA và Lầu Năm Góc tuyển mộ và cho nhảy dù xuống miền Bắc Việt Nam để xây dựng các cơ sở kháng chiến, đằng sau các phòng tuyến của địch.
Một số nhân viên điện đài đã bị bắt chỉ vài giờ sau khi họ đặt chân xuống mặt đất và đã bị lực lượng phản gián của Hà Nội khuất phục, mở điện đài thông báo cho Sài Gòn và Washington những gì mà Hà Nội muốn cho họ biết”.
Nhưng đó là chuyện sau này, còn vào thời điểm ấy, những bản tin chi tiết từng đơn vị, từng tọa độ của Ares đã khiến cho “Tổng bộ” tin tưởng tuyệt đối. Vì vậy mà trong 10 năm, ghi nhận thành tích công tác của Ares, “Tổng bộ” đã thưởng cho điệp viên này tới 12 huân chương, trong đó có Huân chương “Anh dũng Bội tinh”.
(Còn tiếp)
Kỳ 1: Giải mật chuyên án bắt gián điệp đầu tiên ở Miền Bắc
Kỳ 2: Điệp viên Ares và hành trình trở lại miền Bắc Việt Nam