Chưa đầy 5 phút, với tính cách quyết đoán mạnh mẽ, ông Thân Đức Nam bảo tôi: Tổng Cty giao 450 triệu đồng giúp làm khoảng 20 nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách xã hội. Tôi bảo: Có 450 triệu đồng chúng tôi sẽ làm được 30 nhà chứ không phải 20.
Toàn là dân kỹ sư công trình, biết cặn kẽ giá từ bao xi măng, viên bờ lô đến từng khối cát sạn, ai cũng cười và lắc đầu.
Tôi cũng chỉ mất 5 phút đã thuyết minh được tính khả thi của “dự án”. Đâu chỉ có chừng ấy tiền là chấm hết. Thôn quê ai mà chả nhặt nhạnh được chút ít từ góc vườn; rồi từ tình làng nghĩa xóm, từ những ngày công của lực lượng thanh niên tình nguyện tại chỗ...
Chỉ hơn 1 tháng sau, nhân buổi lễ phát động Tháng Thanh niên, chúng tôi trở lại Quảng Trị với 200 triệu đồng chuyển giao đợt 1, đồng thời đến dự lễ khởi công ngôi nhà thứ nhất - là công trình của Tháng Thanh niên, quà tặng cho chị Đinh Thị Mùi, cựu TNXP ở xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng.
Anh Cẩm, Chủ tịch UBND xã, nói với chúng tôi: Xã còn 13,8% hộ nghèo. Trong mấy năm gần đây, với rất nhiều nguồn lực đã xây dựng được 35 nhà tình nghĩa và 32 nhà tình thương. Những trường hợp như chị Mùi, không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức xã hội không làm nổi căn nhà.
Thật vậy, sau chiến tranh mỗi người dân ở đây chỉ có một đôi quang gánh trở về quê hương bản quán, đất trắng cằn khô không nuôi nổi người, nếp nhà 3 gian, cấp 4, đơn sơ là niềm mơ ước, là mục tiêu phấn đấu của cả cuộc đời. Vì thế, mới nghe nói được hỗ trợ 15 triệu đồng chị Mùi đã rưng rưng nước mắt, nói lời cám ơn cũng líu ríu.
Ngày 26/7 là thời hạn hoàn thành những ngôi nhà cuối cùng. Đó cũng là những trường hợp khó khăn nhất. Gặp cơn bão giá, mà giá vật liệu xây dựng và giá nhân công đều đang đứng đầu bảng, lại ở vùng sâu vùng xa, cước phí vận chuyển ăn thêm vào công trình... Từ thị xã Đông Hà, Xuân Anh - Phó Ban Dân vận Mặt trận Tỉnh Đoàn kiêm tài xế đưa tôi đi mất 1 ngày, khoảng 300km, chỉ thăm được 4 gia đình.
Điểm đến đầu tiên là gia đình anh Nguyễn Bá Lộc, quê Nghệ An và chị Nguyễn Thị Thơm, quê ở Thanh Hóa. Cả anh và chị đều là TNXP ở tuyến lửa Vĩnh Linh những năm 1969-1975.
Họ nên vợ nên chồng ở cung đường Bãi Hà rồi trở thành công dân của huyện Bến Hải, nay là huyện Cam Lộ, xã Cam Tuyền, gần nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. 15 triệu đồng của chương trình là đầu vào để các con của anh chị góp thêm vào dựng nên căn nhà khang trang, ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi.
Chia tay anh Lộc, chị Thơm, chúng tôi ngược đường 9 trong không khí tưng bừng kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Khe Sanh, Làng Vây, giải phóng huyện Hướng Hóa. Thượng uý Lê Minh Tuấn, ủy viên BCH Tỉnh Đoàn, Trợ lý Thanh niên BĐBP tỉnh Quảng Trị đón chúng tôi ở Đồn BP 613. Tuấn lên nằm vùng đã một tuần để chỉ đạo thi công 4/5 nhà tình nghĩa được phân bổ cho gia đình các chiến sĩ BĐBP ở vùng cao trong đợt này.
Gia đình đầu tiên ghé thăm là nhà của Hồ Văn Quyền ở xã Thuận. Quyền người dân tộc Vân Kiều, công tác tại đồn BP 613. Vợ Quyền bị suy tim độ 3 không thể sinh nở. Mấy lần thai nhi không nuôi nổi 3 tháng do thiếu ô xy trong máu.
Quyền đang đi bảo vệ cho một đoàn MIA đã gần 1 tháng chưa về nhà. Vợ Quyền cũng đang đi khám bệnh ở Khe Sanh. Em trai Quyền chạy qua ngôi nhà sắp hoàn thành nhận món quà nhỏ mừng nhà mới của Cienco5 và báo Tiền phong. Căn nhà hộp 3 phòng, có mái hiên và đường luồng nằm bên dòng Sê Pôn, bên kia là đất của người Lào.
Lê Minh Tuấn giải thích: Ngoài 15 triệu đồng của chương trình, BCH BĐBP phát động cán bộ, chiến sĩ mỗi đồn quyên góp hỗ trợ 5 triệu đồng, “thân chủ ứng thêm vài tháng lương và phụ cấp”. Gỗ lạt tự có của anh em trong gia đình được huy động vào đây cả nên mới có được công trình tầm cỡ như thế này. Chúng tôi ước tính, nếu công trình được hoàn chỉnh như thiết kế thì giá thành khoảng 70 triệu đồng.
Theo đường Lìa, tuyến đường men theo đường biên, chúng tôi lên thăm gia đình Hồ Văn Lìa ở xã A Túc. Lìa đóng quân ở Đồn BP La Lay thuộc huyện Đak Rông, giáp giới huyện A Lưới của tỉnh TT-Huế. Đường cắt rừng cách nhà khoảng 40km nhưng theo đường Hồ Chí Minh và đường 9 thì đồn ở cách nhà Lìa 100km.
Lìa đang “gà trống nuôi con” từ xa. Vợ Lìa mất cách đây hơn 1 năm vì tai nạn, để lại 3 con, con nhỏ mới gần 2 tuổi. Gia cảnh khó khăn hơn Quyền nhưng nhờ sự hỗ trợ thêm của đồng đội Lìa cũng gắng bỏ bộ móng nhà hộp ba phòng, có mái hiên.
Tuy nhiên, mới chỉ xây được 2 phòng, phòng phía sau phải chờ ít năm nữa mới làm tiếp. Vài tuần Lìa mới về nhà một lần. Anh trai Lìa chạy qua tiếp khách và nhận món quà nhỏ chúng tôi tặng cha con Lìa.
Trên đường trở về Đông Hà, từ thị trấn Khe Sanh chúng tôi rẽ vào xã Húc thăm nhà mới của Hồ Văn Sĩ ở bên suối La La. Sĩ thuộc quân số của Đồn BP 619. Vợ Sĩ còn rụt rè, bẽn lẽn nên nhờ mẹ ra nhận quà và chụp ảnh kỷ niệm với chúng tôi.
Cũng nhờ vậy mà tôi được biết mẹ Sĩ cũng là TNXP thời chống Mỹ. Người con gái quê Thái Nguyên một thời “đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh” đã trở thành cô dâu của bản làng Vân Kiều bên dòng nước trong xanh hiền hòa của con suối La La gắn với chiến công của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ.