Đà kéo chủ yếu đến từ các mã nhỏ nên cả điểm số lẫn mức thanh khoản đều kém.
VN-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,1% trong khi VN30-Index giảm 0,03%. Ngay sự lệch pha nhẹ này cũng đã thể hiện yếu tố khác biệt về giá giữa các nhóm cổ phiếu. Rổ VN30 giao dịch ổn định nhưng giá yếu, trong khi các cổ phiếu nhỏ tuy tăng mạnh, thậm chí nhiều mã nóng, vẫn chỉ là các giao dịch ít được chú ý.
HSX ghi nhận 12 mã trần và 59 mã tăng, 11 mã sàn, 65 mã giảm. Tuy nhiên rổ VN30 lại chỉ có 5 cổ phiếu tăng giá ở mức tối thiếu, tương đương một bước giá trên tham chiếu. May mắn là trong số tăng này có hai cổ phiếu vốn hóa nổi bật là VNM, tăng 0,71% và VCB tăng 0,35%. Số mã giảm trong rổ này là 9 mã, trong đó SBT và HSG giảm từ hai bước giá trở lên.
Rổ cổ phiếu lớn đứng về biến động giá thì cân bằng trong sáng nay. Các mã bù đắp cho nhau đủ để duy trì một mức giảm hầu như không đáng kể. Phần lớn cổ phiếu đứng tham chiếu và được chặn mua tham chiếu. Đặc biệt, thanh khoản của rổ sụt giảm rất lớn, tới gần 39% so với sáng thứ 6 tuần trước, đạt 236,9 tỷ đồng.
Đây là mức giao dịch kém nhất của rổ blue-chips trên HSX trong 13 phiên gần đây. Dòng tiền đột ngột sụt giảm mạnh vẫn là thể hiện sự thận trọng của các nhà đầu tư lớn. Hầu như toàn bộ thời gian của phiên sáng VN30-Index nằm dưới tham chiếu nhưng mức giảm rất nhẹ và thanh khoản yếu. Hoạt động giao dịch được tiết chế ở cả hai chiều: Người mua không mua mạnh trong khi người bán cũng thận trọng.
Sàn Hà Nội cũng ghi nhận chỉ số của rổ HNX30 đang giảm 0,15% trong khi HNX-Index tăng nhẹ 0,03%. Cũng giống như Vn30, rổ HNX30 nhìn chung là cân bằng. Yếu tố kéo điểm số giảm là do PVS mất 0,63%, KLS giảm 1,22%, VCG giảm 1,19%. Cũng có một số cổ phiếu tăng giá trong rổ này như LAS, NTP, PGS, PLC nhưng vốn hóa chưa đủ lớn. Hầu hết các mã quan trọng còn lại đứng tham chiếu.
Thanh khoản của rổ HNX30 cũng ở mức thấp nhất trong 19 phiên gần đây, chỉ đạt 52,7 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với sáng phiên trước.
Động lực cả về điểm số lẫn thanh khoản ở cả hai sàn đều phải nhìn vào các cổ phiếu blue-chips. Sáng nay hai nhóm cổ phiếu này không đóng vai trò dẫn dắt thị trường, thậm chí giao dịch khá nhạt nhẽo. Không có biến động đáng chú ý về giá hay thanh khoản nên các chỉ số vận động chậm chạp.
Mặc dù sụt giảm lớn về thanh khoản nhưng giá trị giao dịch ở hai rổ cổ phiếu lớn nói trên vẫn chiếm hơn một nửa giá trị khớp lệnh toàn thị trường. Điều đó cho thấy ở các cổ phiếu khác, thanh khoản cũng không thực sự mạnh.
Tuy nhiên do thị giá thấp, thanh khoản hạn chế nên nhóm cổ phiếu nhỏ tiếp tục có vẻ sôi động riêng, dù dòng tiền thực tế vào đây không cao. Không nhiều cổ phiếu kịch trần sáng nay có được thanh khoản lớn. Trên HSX, đáng kể nhất là KMR, đã khớp hơn 2,3 tỷ đồng giá trị cổ phiếu và vẫn đang được chặn mua trần 464.000 đơn vị. BSI, NTL, DLG cũng là những mã giao dịch khá nổi trong nhóm này, nhưng thanh khoản rất kém.
Sàn Hà Nội có danh sách khá dài các mã kịch trần (22 mã) nhưng thanh khoản thực sự kém. TNG đáng chú ý nhất vì đang được chặn mua trần 127.000 đơn vị, có tiềm năng thanh khoản lớn hơn còn số 3,8 tỷ đồng trong sáng nay. KSQ, SDE, SDH cũng đang kịch trần nhưng dòng tiền yếu và cầu cũng khá nhỏ.
Nhìn thuần túy vào số lượng cổ phiếu tăng giá ở hai sàn sáng nay thì giao dịch vẫn đang cân bằng, nhưng dòng vốn đã không còn hào hứng như trước, ngay cả ở các cổ phiếu có thể khống chế thanh khoản. Thanh khoản suy giảm do sự do dự trong quyết định hơn là biến động giá quá mạnh. Các cổ phiếu nhỏ đã không giữ được vai trò tạo hào hứng trong giao dịch, bắt đầu phân hóa khá mạnh, trước hết là ở mức tăng giá. Các cổ phiếu này không thể tạo thanh khoản lớn được, thị trường vẫn phải chờ động thái ở các blue-chips.
Theo VnEconomy