‘Chung cư không sổ đỏ, như ở trọ giá cao’

Bỏ ra tiền tỷ để sở hữu căn hộ chung cư nhưng nhiều cư dân ở các khu đô thị mới tại Hà Nội luôn trong tình trạng “ở trọ” khi không có giấy chủ quyền và phần thiệt vẫn thuộc về họ.

Dù đã được pháp luật công nhận, Nghị định 71 của Chính phủ cũng đã quy định rất rõ ràng, nhưng cho đến nay chuyện các chung cư mini được cấp sổ đỏ vẫn rất xa vời. Bỏ tiền tỷ ra mua căn hộ nhưng chủ nhà chỉ được nhận một bản hợp đồng mua bán có xác nhận của chính quyền địa phương, sổ hồng trên “hứa hẹn” của chủ đầu tư, còn sổ đỏ toàn bộ khu đất xây chung cư vẫn do bên bán giữ.

Tình trạng trở nên quá phổ biến khi kết quả kiểm tra đột xuất tại 16 xã, phường thuộc 11 quận, huyện ở TP Hà Nội giữa năm ngoái cho thấy không chung cư mini nào đáp ứng đầy đủ các quy định để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Không chỉ các chung cư mini bị “treo” sổ, các khu chung cư cao cấp có giá hàng chục triệu đồng cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mua căn hộ tại khu chung cư cao cấp Golden Westlake đã 3 năm với giá 29-83 triệu đồng/m2 nhưng hàng trăm cư dân ở đây hiện vẫn sống trong tình cảnh bị treo sổ đỏ, sổ hồng dài hạn, trong khi chiếu theo quy định trong hợp đồng, sau 3 tháng vào ở, chủ đầu tư phải có nghĩa vụ làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cư dân.

Đồng cảnh ngộ “ở trọ giá cao” với các cư dân Golden Westlake, các cư dân khu chung cư cao cấp The Manor cũng phải miệt mài đi đòi sổ đỏ suốt 5 năm nay. Dù đã kiến nghị với chủ đầu tư, với UBND huyện nhưng cho đến nay số sổ đỏ được cấp không đáng kể.

Không có sổ đỏ, ngoài tâm lý không yên tâm cho chủ nhà còn kéo theo nhiều phiền toái khác như không thể thế chấp ngân hàng để vay vốn, khó khăn trong nhập hộ khẩu…

Báo cáo của Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) cuối năm 2011 sau khi đi kiểm tra các khu đô thị mới tại TPHCM và Hà Nội cho thấy tại Hà Nội, trong số 9 dự án được kiểm tra, chủ đầu tư mới chỉ bàn giao giấy tờ cho 557 chủ căn hộ (chiếm 26,4% số căn hộ đã bán) và nộp hồ sơ cho 710 trường hợp. Các dự án chậm có The Manor (Từ Liêm), mặc dù đã chuyển nhượng và bàn giao 432 căn chung cư và 50 căn biệt thự, song chủ đầu tư là Tập đoàn Bitexco mới chỉ nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho hơn 60 hộ.

Tại khu đô thị Ciputra (Tây Hồ), dù chủ đầu tư Công ty Phát triển đô thị Nam Thăng Long đã hoàn thành chuyển nhượng 640 căn nhà liền kề và 1.050 căn chung cư song doanh nghiệp này mới hoàn thành giấy tờ cho 354 căn liền kề trong số 390 căn ở giai đoạn 1, 386 căn liền kề và hơn 1.000 căn vẫn chưa có giấy chứng nhận.

Khu nhà ở Đại Mỗ do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư cũng mới chỉ cấp được 9 trong số 73 căn hộ đã bàn giao… Dù đã được cơ quan chức năng “điểm mặt chỉ tên” nhưng cho đến nay, việc cấp sổ hồng, sổ đỏ cho các hộ dân vẫn tiến triển rất chậm.

Tại anh hay tại ả?

Theo các chuyên gia BĐS, thực tế trên thị trường BĐS cho thấy khó có một dự án nào “sạch” từ đầu đến cuối để cơ quan chức năng có thể cấp nhanh sổ đỏ, sổ hồng cho các hộ dân.

Dù các chủ đầu tư luôn viện dẫn những lý do khách quan như tiến độ bán dự án, các hộ dân vào ở không cùng lúc, khó khăn từ chính quyền… nhưng không khó để thấy rằng bản thân dự án luôn có rất nhiều vấn đề. Việc chủ đầu tư xây dựng không đúng số tầng, số căn hộ theo thiết kế được duyệt; phân chia diện tích lô không đúng với quy hoạch hoặc xây dựng nhà vượt diện tích so với giấy phép là chuyện rất phổ biến.

Chưa kể nhiều chủ đầu tư chưa làm xong thủ thục pháp lý về đất đai nhà ở nhưng đã xây dựng và bán xong nhà ở nên không đủ căn cứ để cấp giấy chứng nhận. Thậm chí những lý do tưởng chừng rất nhỏ như chuyển đổi mục đích sử dụng tầng hầm hoặc thay đổi công năng, vị trí phòng sinh hoạt cộng đồng cũng khiến việc cấp giấy phải kéo dài.

Đối với chung cư mini còn “bi đát” và lộn xộn hơn khi chủ đầu tư cố tình không thực hiện các quy định pháp luật để hạn chế kinh phí xây dựng như khi xin cấp phép xây dựng tòa nhà, chủ nhà không xin cấp phép theo diện “nhà để kinh doanh” mà xin theo diện "nhà ở riêng của gia đình" để trốn nộp các khoản thuế, phí...

Hay để tiết kiệm, chủ đầu tư bỏ qua xây dựng hệ thống báo cháy chữa cháy, lối thoát hiểm, thang máy, xây vượt số tầng xin phép…

Những vi phạm này khiến cho việc cấp sổ hồng bị “treo” vô thời hạn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng cho rằng việc chậm cấp sổ đỏ một phần vì sự chậm trễ từ cơ quan chức năng tại địa phương.

Thực tế cho thấy, tình trạng mua đi bán lại ở các dự án rất lớn, chiếm tới 70% tổng số căn hộ, nhưng các cơ quan thẩm quyền đã không làm thủ tục theo quy định, tạo nên thị trường “ngầm” gây khó khăn trong việc cấp các loại sổ.

Theo Hoài Trâm
Đầu tư tài chính

Theo Đăng lại