Thu hàng chục tỷ phí bảo trì, sau 6 năm mới chịu mở tài khoản
Đơn cử như tại công trình hỗn hợp nhà ở (dành một phần để bán cho cán bộ, chiến sỹ thuộc Cục Ngoại tuyến và Kỹ thuật C51 và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra C44 - Bộ Công an) và xây dựng nhà trẻ (gọi tắt là cụm chung cư C51-C44 – tên thương mại là dự án 6th Element).
Theo kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng, tại chung cư C51 - C44, chủ đầu tư vi phạm Điều 109, Luật Nhà ở 2014, khi không thông báo cho Sở Xây dựng Hà Nội biết việc gửi vào tài khoản ngân hàng kinh phí bảo trì số tiền hơn 62 tỷ đồng. Chủ đầu tư cũng không đóng kinh phí cho phần diện tích giữ lại, vi phạm Điều 108 Luật Nhà ở 2014…
Dự án 6th Element được biết đến là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp với giá bán hiện giao động từ 40-50 triệu đồng/m2.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng công bố kết luận thanh tra liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư tại 2 nhà chung cư do Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) làm chủ đầu tư và chỉ ra nhiều vi phạm.
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, tại tòa nhà chung cư Intracom 1 thuộc dự án khu văn phòng, dịch vụ công cộng và nhà ở bán (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm), chủ đầu tư chậm mở tài khoản kinh phí bảo trì, chậm thông báo cho Sở Xây dựng về việc mở tài khoản kinh phí bảo trì là vi phạm Luật Nhà ở năm 2014.
Cụ thể, từ tháng 3/2013 đến tháng 7/2020 chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì của khách hàng nhưng đến tháng 6/2019, chủ đầu tư mới mở tài khoản kinh phí bảo trì. Tại thời điểm thanh tra, tháng 12/2020 chủ đầu tư chưa thông báo cho Sở Xây dựng về việc mở tài khoản kinh phí bảo trì. Sau khi thanh tra vào cuộc, chủ đầu tư mới gửi thông báo theo quy định…
Ngoài ra, chủ đầu tư gửi phí bảo trì 4 năm (năm 2015-tháng 6/2019) không kỳ hạn là vi phạm Nghị định 99 của Chính phủ.
Cũng theo Thanh tra Bộ Xây dựng, từ tháng 6/2016 công trình được đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa đóng kinh phí bảo trì đối với 7 căn hộ chưa bán và phần diện tích các khu dịch vụ mà chủ đầu tư giữ lại là vi phạm Luật Nhà ở năm 2014. Đến ngày 10/3/202, chủ đầu tư mới khắc phục và đã đóng gần 1,2 tỷ đồng vào tài khoản kinh phí bảo trì.
Đáng chú ý, tại thời điểm thanh tra tháng 12/2020, dù công trình được đưa vào sử dụng gần 5 năm nhưng chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ra ban quản trị...
Tương tự, đối với tòa nhà chung cư Intracom Riverside thuộc dự án nhà ở cao tầng kết hợp văn phòng tại xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội), theo kết luận thanh tra, Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông chậm thông báo cho Sở Xây dựng về việc mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì. Theo đó, số tiền phí bảo trì trong tài khoản có kỳ hạn là 22 tỷ đồng.
Tại thời điểm thanh tra tháng 12/2020, chủ đầu tư chưa đóng 2% giá trị phần diện tích giữ lại vào tài khoản ngân hàng với số tiền 2,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện chủ sở hữu 34 căn hộ chưa nộp kinh phí bảo trì…
Chủ dự án nhà ở xã hội “om” hàng tỷ tiền quỹ bảo trì
Đối với khu chung cư Hope Residences – dự án khu nhà ở xã hội tại đường Chu Huy Mân (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) của Công ty CP phát triển nhà Phúc Đồng (Công ty Phúc Đồng) qua quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra một số vi tồn tại, vi phạm của chủ đầu tư liên quan đến quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.
Theo kết luận thanh tra, trong quá trình nộp kinh phí bảo trì vào tài khoản ngân hàng, Công ty Phúc Đồng đã gửi vào tài khoản không có kỳ hạn là thực hiện không đúng khoản 1, Điều 36 Nghị định 99 của Chính phủ.
“Quá trình làm việc với đoàn thanh tra, chủ đầu tư nhận thức được trách nhiệm và chủ động khắc phục tồn tại và chuyển 22,24 tỷ đồng sang tài khoản ngân hàng có kỳ hạn 1 tháng”, Kết luận thanh tra nêu.
Cũng theo Thanh tra Bộ Xây dựng, chủ đầu tư đã không ghi số tài khoản, tên tài khoản và tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản kinh phí bảo trì trong hợp đồng mua bán, hợp đồng cho thuê căn hộ chung cư là thực hiện chưa đúng vào khoản 2, Điều 36, Nghị định 99.
Ngoài ra, chủ đầu chưa đóng quỹ bảo trì 2% đối với 4 căn hộ dịch vụ chưa bán và 308 căn hộ cho thuê là vi phạm Luật Nhà ở 2014. Sau khi làm việc với đoàn thanh tra, Công ty Phúc Đồng mới chịu đóng 5,99 tỷ đồng số tiền giữ lại trước đó vào tài khoản quản lý kinh phí bảo trì...