> Bất thường lãi suất huy động
Lách và đua
Ở kỳ hạn dài (12 tháng trở lên), đi đầu là Ngân hàng Á Châu (ACB) điều chỉnh lãi suất huy động từ 12-9 lên cao nhất là 13%/năm. Với các kỳ hạn dài khác, lãi suất cũng niêm yết ở mức cao là 12,5%/năm (kỳ hạn 12 tháng), 11,5% (24 tháng) và 12% (36 tháng).
Tương tự, Eximbank cũng đưa lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng lên mức 12,8%/năm. Khách hàng gửi tiền từ 12-36 tháng sẽ được hưởng lãi suất 12%, gửi 12 tháng hưởng lãi 12,3%...
Trong khi đó, các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng, dù đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khống chế 9%/năm, nhưng thực tế nhiều ngân hàng nhỏ (nhóm 3), thanh khoản yếu vẫn âm thầm lách trần lãi suất bằng các chiêu truyền thống: ghi hợp đồng lãi suất 9% nhưng vẫn trả thêm lãi suất từ 1-2% bằng tiền mặt ngay khi gửi; đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi, tặng phiếu mua hàng...
Việc nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng có nhiều lý do. Lãnh đạo Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP bank) chia sẻ, các ngân hàng phải triển khai sớm chương trình huy động vốn để chuẩn bị cho nhu cầu vốn tăng đột biến vào dịp cuối năm, đặc biệt là dịp Tết.
“Thực chất, ngân hàng thiếu vốn do hiệu ứng của việc tăng trưởng tín dụng quá cao thời gian trước. Mặt khác, NHNN vừa có Thông tư 21 siết điều kiện cho vay trên thị trường liên ngân hàng như đối với cho vay thông thường (phải có tài sản đảm bảo, tính là dư nợ) nên các ngân hàng đang giảm sự phụ thuộc vào nhau”- Vị lãnh đạo này nói.
Khó giảm lãi suất cho vay
Một chuyên gia ngân hàng phân tích: trên 200 ngàn tỷ đồng nợ xấu cũ mà NHNN công bố chưa được xử lý. Doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản, thép, xi măng không trả được nợ. (Riêng hàng tồn kho của DN bất động sản khoảng 3 tỷ USD).
Trong khi đó, vấn đề xử lý nợ xấu của hệ thống NHTM mới chỉ có chủ trương nhưng NHNN chưa có chính sách cụ thể, nên các ngân hàng chưa có cách nào xử lý, ngoài việc phải tăng tiền trích lập dự phòng rủi ro.
"Việc phải cạnh tranh huy động tiền, bù đắp thanh khoản là đương nhiên” – Chuyên gia này nói.
Theo thông tin từ NHNN, đến 12-9, lãi suất cho vay VND phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 10-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm.
Tuy nhiên, với việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động, mục tiêu giữ lãi suất cho vay ổn định dưới 15%/năm bị đe dọa. Bởi khi lãi suất huy động tăng cao, chắc chắn lãi suất cho vay sẽ tăng theo.
Trao đổi với Tiền Phong, một cán bộ NHNN cho biết, khả năng điều chỉnh giảm lãi suất tiếp sẽ khó thực hiện, vì bản thân các ngân hàng vẫn thiếu thanh khoản, trong khi kỳ vọng lạm phát giảm sâu không còn, vì lạm phát tháng 8 đã tăng 0,63%, những tháng còn lại dự báo sẽ tăng từ 0,8 đến trên 1%.
Nếu lạm phát cả năm ở mức 6-7%, thì mức lãi suất duy trì hiện nay là hợp lý, đảm bảo lãi suất thực dương. “Giữ được mức lãi suất ổn định hiện nay đã là lý tưởng rồi, nên việc giảm thêm lãi suất từ nay đến cuối năm là bất khả thi”, vị cán bộ này nói.
Tỷ lệ nợ xấu nhiều ngân hàng tăng
Trong 6 tháng đầu năm 2012, nợ xấu của 8 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã tăng mạnh. Theo báo cáo quý II-2012 đã hợp nhất của Ngân hàng ngoại thương (VCB), tại thời điểm 30-6, nợ xấu của nhà băng này đã tăng vọt lên 3,49% so với tỷ lệ 2,03% cuối năm 2012.
Do đó, VCB phải tăng trích lập rủi ro thêm 1.745 tỷ đồng; Nợ xấu của Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng tăng lên mức 1,53%, gần gấp đôi nợ xấu cuối năm 2011, khiến ngân hàng phải trích thêm 310 tỷ đồng để dự phòng rủi ro cho khoản vay và ứng trước của khách hàng.
Ngân hàng Navibank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là 3,87%... Tổng số tiền trích lập dự phòng rủi ro của 8 ngân hàng trong nửa đầu năm đã lên đến 5.680 tỷ đồng.