Chữa trẻ chảy nhiều dãi rớt bằng cây đỗ rĩ
TPO - Cây đỗ rĩ thường mọc hoang ở vùng đất ven bờ nước. Nhờ công dụng chữa được một số chứng bệnh mà ngày nay ở một vài nơi người ta đã gây trồng trong vườn. Đỗ rĩ hay còn gọi là cây bo bo, cây ý dĩ, có vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng trừ phong thấp, nhiệt, trị tiêu chảy lâu ngày, trị chứng co quắp, viêm đại tràng và trị tả lỵ.
1. Hạt, lá đỗ rĩ
Trị chứng tiểu buốt, tiểu khó: khi thấy bàng quang đau tức, đi tiểu buốt, tiểu khó, đi tiểu ra những mảnh sỏi nhỏ thì lấy một vốc hạt đỗ rĩ hoặc một nắm lá đỗ rĩ sắc hơi đặc để uống. Mùa hè uống nước thuốc khi đã nguội, mùa đông uống lúc còn ấm nóng. Uống đến lúc đi tiểu hết buốt, hết khó, nước tiểu trong thì thôi.
Trị chứng phế ung: nếu bị ho khạc ra đờm có mùi hôi tanh, người uể oải, mỏi mệt thì lấy 3 vốc hạt đỗ rĩ giã nát, sắc với 300ml nước còn 100ml, pha thêm ít rượu, chia làm 2 lần uống trong ngày. Một đợt uống khoảng 3-5 ngày sẽ có kết quả.
Trị chứng trẻ hay chảy dãi rớt: trẻ mắc chứng cam dãi chảy dãi rớt (nước bọt) thì lấy một nắm đỗ rĩ và nửa nắm lá bạc hà cho 1 bát nước sắc còn 1 chén con cho trẻ uống liên tục trong ngày sẽ khỏi.
2. Thân cây đỗ rĩ
Trị giun sán: lấy khoảng 1kg thân cây đỗ rĩ sắc với 1 lít rượu còn 400ml, chia uống sẽ có tác dụng.
3. Rễ cây đỗ rĩ
Trị chứng đau tức ở vùng thượng vị: nếu bị đau tức ở vùng thượng vị dùng rễ cây đỗ rĩ rửa sạch sắc đặc còn khoảng 300ml nước thì uống.
Trị chứng vàng da: vàng da do nhiệt độc tồn ức bên trong mà phát bệnh thì lấy rễ đỗ rĩ rửa sạch, sắc uống thay nước, cho kết quả rất tốt.
BS Nguyễn Thị Thêu