Chữa khỏi HIV bằng cách cấy ghép tế bào gốc
> Chữa HIV bằng phương pháp ghép tủy
Các chuyên gia của Australia vừa cho biết, họ đã chữa trị khỏi bệnh thành công cho một bệnh nhân bị nhiễm HIV bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc vào cơ thể của bệnh nhân này.
Đây quả là một tin mừng đối với cộng đồng người bị nhiễm HIV trên toàn thế giới bởi một lần nữa phương pháp này lại chứng tỏ được sự “màu nhiệm” của nó. Tuy nhiên, các chuyên gia e ngại rằng, vẫn là quá mạo hiểm nếu áp dụng biện pháp chữa trị này một cách phổ biến cho mọi bệnh nhân bởi nguy cơ rủi ro khá cao.
Trước đó, vào năm 2007, một người Mỹ đã được cấy ghép tủy xương để điều trị một căn bệnh rối loạn máu, mà chính xác là bệnh ung thư bạch cầu cấp tính (leukaemia). Tuy nhiên, khi tiến hành cấy ghép, các bác sĩ mới phát hiện ra anh chàng này bị nhiễm HIV. Nhưng thật bất ngờ, việc cấy ghép tủy xương đã làm giảm lượng virus HIV trong cơ thể anh ta.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Đức vừa được công bố trên tạp chí khoa học Blood trong tuần này thì người hiến tủy xương để ghép là một người hoàn toàn khỏe mạnh và có mang trong mình một gen đột biến quý hiếm có khả năng kháng HIV tự nhiên.
Các nhà khoa học Australia nói rằng, mặc dù đây là bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên được cứu sống từ phương pháp cấy ghép tế bào gốc, nhưng quá trình cấy ghép vẫn mang tới những nguy cơ rủi ro cao và có tới 30% bệnh nhân không thể tồn tại sau khi cấy ghép.
Ông Basil Donovan, Giáo sư chuyên về sức khỏe tình dục của đại học New South Wales của Australia nói với hãng thông tấn AAP của Australia như sau: đây quả thực là sự can thiệp của y học ở cấp độ cực cao và chi phí thực sự rất đắt đỏ. Thêm vào đó, phương pháp này có lẽ chỉ phù hợp với các bệnh nhân vừa bị nhiễm HIV, vừa bị bệnh ung thư bạch cầu cấp tính (leukaemia) mà thôi. Không có gì có thể đảm bảo rằng phương pháp này phù hợp với mọi bệnh nhân. Trên thực tế, đây cũng là một phương pháp chữa trị lạ thường”.
Giáo sư Donovan cũng nhấn mạnh thêm rằng, việc cấy ghép này nhằm tiêu diệt các tế bào bạch cầu và các tủy xương đã bị suy yếu trong cơ thể bệnh nhân. Chúng khiến bệnh nhân mất khả năng đề kháng, vì vậy các bác sĩ sẽ cấy ghép các tế bào gốc vào để hồi phục tủy xương và tái sản sinh các tế bào mạnh khỏe. Nhờ vậy, các tế bào mới mới giúp "khổ chủ" kháng lại được virus HIV, đồng thời quá trình này cũng giúp tiêu diệt những ổ virut HIV còn lại trong cơ thể bệnh nhân.
Tuy nhiên, hãng thông tấn AAP cho biết, chỉ có 1% người châu Âu đang mang trong mình thứ gen đột biến quý giá đó. Nó có tên gọi Delta 32 - thứ duy nhất có khả năng đề kháng lại virus HIV. Trong khi đó, vào năm 2009 vừa qua, 1.050 người Australia bị chẩn đoán nhiễm HIV – con số cao nhất trong vòng gần hai thập kỉ qua.
Đây là năm thứ tư liên tiếp, số người nhiễm HIV ở đất nước này lên tới con số hàng nghìn và thật đáng buồn là trung bình mỗi năm tại Australia có thêm 700 ca bị nhiễm HIV kể từ những năm 1990 trở lại đây.
Tính tới cuối năm 2009, tổng số người bị nhiễm HIV ở Australia đã lên tới con số đáng báo động: 20.171 người. Trên toàn thế giới hiện có tới 33,3 triệu người đang phải sống chung với HIV. Đáng sợ là mỗi ngày có tới 7.000 bệnh nhân HIV mới trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, tính đến hết tháng 9 - 2010, tổng số người nhiễm HIV còn sống là hơn 164.000 trường hợp; tổng số bệnh nhân AIDS còn sống là hơn 37.000 trường hợp; tổng số người bị HIV/AIDS đã tử vong là hơn 45.000 trường hợp.
Phần lớn các trường hợp nhiễm HIV do lây nhiễm qua đường máu (47,5%); lây truyền qua đường tình dục (38,7%) và lây truyền từ mẹ sang con...
Việt Nam sẽ cùng cộng đồng quốc tế cố gắng thực hiện thành công mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc đặt ra là: "Hạn chế, từng bước tiến tới chấm dứt lây nhiễm HIV/AIDS vào năm 2015”.
Một nghiên cứu gần đây trải rộng trên 25 bang của Mỹ đã tính toán rằng, những người Mỹ được chẩn đoán nhiễm HIV năm 2005 có thể sống được bình quân thấp hơn 21 năm so với người cùng lứa không nhiễm HIV. Đồng thời, nghiên cứu cũng phát hiện thấy, nữ nhiễm HIV có thể sống lâu hơn nam nhiễm HIV trung bình 3,5 năm; người Mỹ gốc Tây Ban Nha nhiễm HIV chết sớm hơn người Mỹ gốc Phi nhiễm HIV và người da trắng nhiễm HIV sống lâu hơn cả 02 nhóm người trên…
Vấn đề người nhiễm HIV có thể sống bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như người nhiễm - họ là ai (người tiêm chích ma túy, hay người đồng nhiễm viêm gan siêu vi, Người lạc quan hay người suy nhược, phiền muộn…); người nhiễm sống ở đâu (nước giàu hay nước nghèo); có tiếp cận được các dịch vụ y tế phù hợp hay không (bao gồm cả điều trị thuốc kháng virus, hỗ trợ tâm lý, xã hội, nước sạch, an ninh trật tự…)…
Như vậy, với sự phát triển không ngừng của y học và khoa học, người bị nhiễm HIV đang ngày càng có thêm cơ hội được sống sót.
Theo Kiều Vui
VTC News