Mất cân bằng năng lượng gây thừa cân, béo phì
Tại hội thảo "Các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam: Nguyên nhân và khuyến nghị" do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam tổ chức ngày 9/4, tại Hà Nội, nguyên nhân cũng như giải pháp hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm là vấn đề nổi bật được làm rõ.
Theo PGS, TS - BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, TCBP là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.
Bà Lâm dẫn số liệu, theo Báo cáo An ninh lương thực và dinh Dưỡng ASEAN năm 2021, trong tổng năng lượng nạp vào cơ thể người Việt hàng ngày từ đồ ăn và thức uống thì ngũ cốc và thịt chiếm nhiều nhất (51,4% và 15,5%); các thực phẩm khác là (22,6%); rau và hoa quả (6,9%); đường chỉ chiếm chưa tới 3,6%.
Vị chuyên gia cũng đề cập khía cạnh, việc ít vận động thể lực và thời gian tĩnh tại nhiều lại có đóng góp đáng kể vào tình trạng gia tăng thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường. Tại Việt Nam, có khoảng 86,3% thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 11 - 17 thiếu hoạt động thể chất. “Không có đủ bằng chứng khoa học thuyết phục để kết luận đồ uống có đường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thừa cân, béo phì tại Việt Nam”, bà Lâm nhấn mạnh.
Theo PGS, TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Đại học Y Hà Nội), chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý có liên quan đến việc gia tăng các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, các bệnh tim mạch và ung thư. Người dân Việt Nam đang có xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và chất béo (các loại thực phẩm chế biến đóng gói sẵn, thức ăn nhanh...).
Quản lý chặt việc dán nhãn dinh dưỡng
Một trong những vấn đề đáng chú ý, nhận được nhiều sự quan tâm thời gian gần đây là đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Trước đây, Bộ Tài chính từng đề xuất bổ sung mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ các sản phẩm sữa. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp nên đến nay, chính sách này vẫn chưa ban hành. Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để sửa đổi luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và điều này một lần nữa được đề cập tới.
Nhìn nhận câu chuyện đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường từ góc độ nhằm hạn chế các loại bệnh như thừa cân, béo phì, bà Lâm phân tích: “Có quá nhiều các loại thực phẩm có chứa đường trên thị trường và mức tiêu thụ của các loại thực phẩm này còn nhiều hơn nhiều so với nước ngọt. Cạnh đó, có nhiều loại nước uống đường phố có chứa đường.
Nếu đánh thuế đối với nước ngọt sẽ chỉ làm giảm tiêu thụ các loại nước uống được sản xuất và lưu thông hợp pháp trên thị trường, trong khi đó người tiêu dùng vẫn tiếp tục và có thể chuyển sang các loại nước uống đường phố vốn không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế”.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, đánh giá việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường không giúp tăng ngân sách nhà nước mà còn có thể gây nên những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội. Cụ thể, việc tăng thuế TTĐB lên 10% với nhóm ngành nước giải khát dự báo sẽ dẫn tới tăng chi phí bán lẻ, giảm sản lượng, tăng hiện tượng buôn lậu, giảm thu nhập người lao động, tác động đến GDP.
Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện năm 2018, cập nhật năm2021, nếu bổ sung nhóm ngành nước giải khát vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% và nâng thuế giá trị gia tăng thêm 2% với mặt hàng này thì doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát sẽ giảm khoảng 3.664 tỉ đồng. Trong khi đó, mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước đạt 1.525,9 tỉ đồng.
Ngoài ra, sắc thuế cũng gây ra hệ luỵ tác động tiêu cực đến hơn 300.000 lao động trong ngành công nghiệp nước giải khát (số liệu 2021), ảnh hưởng tới 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với một triệu hộ kinh doanh sản phẩm; dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ trồng mía…
Ông Phụng cũng lưu ý thêm, có rất nhiều loại thực phẩm, đồ uống có chứa đường và có lượng calo cao khác cũng đang tồn tại trên thị trường. Nếu đánh thuế đối với mỗi nước giải khát có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các thực phẩm thay thế khác này mà những thực phẩm thay thế này cũng có thể là nguyên nhân của các bệnh thừa cân, béo phì.
Vì vậy, để đẩy mạnh phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, trong đó có thừa cân, béo phì, cần tập trung vào các hiệu quả dài lâu, căn cơ; riêng câu chuyện về áp thuế tiêu thụ đặc biệt cần đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng hơn để xem xét các tác động, hiệu quả thực tế.
Một số giải pháp được khuyến nghị là đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về dinh dưỡng hợp lý; khuyến khích các hoạt động và phong trào luyện tập thể dục, thể thao cho cộng đồng. Cạnh đó, cần giám sát và quản lý việc thực hiện dán nhãn dinh dưỡng một cách chặt chẽ. Các loại thực phẩm đều phải có nhãn dinh dưỡng với các nội dung theo quy định mới được lưu hành trên thị trường. Ngoài ra cũng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và giới hạn các loại thực phẩm, đồ uống đường phố đang không đảm bảo về dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn thực phẩm.