Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) tuần qua trên địa bàn TPHCM ghi nhận 411 trường hợp mắc SXH (tăng hơn 19%) so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 8.198 ca. Dự báo trong giai đoạn mùa mưa, muỗi truyền bệnh sẽ tiếp tục phát triển khiến SXH tiếp tục gia tăng.
Trước tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp, nhiều gia đình đã chọn phương án tiêm vắc xin phòng bệnh khi nhiều cơ sở tiêm chủng vắc xin Takeda (Nhật Bản) phòng bệnh sốt xuất huyết lên đến 90%.
Trả lời câu hỏi của cơ quan báo chí về tính hiệu quả của vắc xin SXH, Sở Y tế cho biết, vắc xin của hãng Takeda (Nhật Bản) là vắc xin sốt xuất huyết đầu tiên được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành trong tháng 5/2024 vừa qua. Theo Tổ chức Y tế thế giới, sự ra đời của vắc xin được xem như là một vũ khí bổ sung cho các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết đã và đang triển khai từ trước đến nay.
Theo Sở Y tế TPHCM việc đánh giá hiệu quả của một vắc xin phải được thực hiện bằng những nghiên cứu khoa học với những quy định rất nghiêm ngặt từ chọn mẫu, đến thu thập và xử lý dữ liệu. Do đây là vắc xin mới được lưu hành tại Việt Nam nên chưa có số liệu đánh giá hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, những dữ liệu thu được từ các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc xin phòng SXH của Takeda có hiệu lực trong phòng bệnh sốt xuất huyết. Từ căn cứ khoa học thu được trong thử nghiệm lâm sàng mà nhà chức trách cấp phép lưu hành cho vắc xin.
Sở Y tế TPHCM đánh giá vắc xin SXH là một trong những thành tố quan trọng của các giải pháp tổng thể kiểm soát dịch bệnh. Do đó, bên cạnh tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều thì người dân vẫn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh SXH theo khuyến cáo của ngành y tế.
Đối với các cơ sở tiêm chủng vắc xin SXH, Sở Y tế TPHCM yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc việc tư vấn chính xác, đầy đủ thông tin về hiệu lực, hiệu quả phòng bệnh của vắc xin.