> Chữa bệnh nan y bằng... bắt tay, nghe hát
> Nam sinh chữa bệnh bằng ...vả mồm, rút lưỡi
Trong khi cơ quan y tế và chính quyền địa phương lúng túng xử lý, hàng ngàn người ùn ùn kéo đến nhà “cô Tranh” mong khỏi bệnh.
Giám đốc BV nghe hát thoát bệnh?
Cách TP Vĩnh Yên khoảng 2 cây số, chúng tôi tìm đến nhà bà Phan Thị Tranh tại xã Thanh Vân. Phía ngoài đường chính là hai bãi gửi xe với hàng trăm ô tô các loại. Từ bãi xe men theo con đường bê tông chừng 200m là những dòng người rồng rắn xếp hàng vào “cô Tranh” để được nghe hát và uống nước mát.
Tới khu vực sân nhà bà Tranh, trước mắt chúng tôi là một căn nhà cấp 4 cũ diện tích chừng 50m2 và 1 căn nhà 3 tầng mới xây diện tích mỗi sàn khoảng 40m2 đều chật cứng người, người dân ngồi tràn cả ra ngoài sân. Khi được “cô Tranh” thông báo phát lá (một loại lá có vị chua), hàng trăm người ào ào tự động xếp thành hàng để được ban lá.
Người đầu tiên PV tiếp xúc tại nhà bà Tranh là vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Minh (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Anh Minh kể, ngày 17/9, anh được phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn hai. Ngày 18/9, gia đình tức tốc đưa anh Minh sang Singapore điều trị tại BV Elizabeth.
Tại đây, bác sỹ kết luận anh Minh bị ung thư phổi giai đoạn 3 và phải truyền hóa chất. Anh Minh trải qua hai lần hóa trị nhưng tế bào ung thư tiếp tục di căn sang gan và bả vai.
Theo anh Minh, do người quen giới thiệu khả năng chữa bệnh hiểm nghèo của “cô Tranh”, nên gia đình quyết định đưa anh Minh về nước và đến nhờ “cô” cứu giúp.
Sau 3 lần bắt tay, nghe “cô” hát và uống lá mát, sức khỏe anh Minh thay đổi rõ rệt. Anh Minh nói rằng, mới 2 lần hóa trị tại Singapore đã tốn hơn 700 triệu đồng, mà “cô Tranh” không lấy tiền.
Bác sỹ Lê Nguyên Tùng (nguyên Giám đốc Bệnh viên Đa khoa Sơn La, kiêm Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Sơn La, nghỉ hưu năm 2008) nói mình bị thông động tĩnh mạch não giữa bẩm sinh, khoảng giữa tháng 11/2012, kêu lên 1 tiếng rồi co giật toàn thân, bất tỉnh.
Sau đó, ông Tùng được đưa đến các BV trung ương, nhưng bệnh tình không tiến triển. “Kể từ khi đến “cô Tranh” truyền năng lượng, nghe hát, uống lá mát thì không còn co giật nữa”, bác sỹ Tùng nói.
Tại nhà bà Tranh và xung quanh khu vực này, PV được nghe nhiều “nhân chứng” khẳng định bệnh tình họ thuyên giảm rõ rệt hoặc “biến mất” hoàn toàn sau khi được nghe “cô Tranh” hát (?!).
Lúng túng xử lý
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, nói: “Chiều 28 và 29/11, tôi đều có mặt ở nhà bà Tranh, bà Tranh chối không phải hành nghề y. Hiện những người bị bệnh hiểm nghèo người ta đi vái tứ phương, nghe thấy ở đâu hay người ta tới. Điều khó hiểu là, kể cả những người có học thức, địa vị xã hội, cả về y học, người ta cứ đến nhà bà Tranh khiến chúng tôi không biết giải quyết thế nào”.
Theo ông Sơn, Sở Y tế Vĩnh Phúc không cấp phép hành nghề nhưng đã phối hợp UBND huyện Tam Dương kiểm tra trường hợp bà Tranh rất quyết liệt.
“Ngày 29/11, vẫn có hàng chục xe ô tô biển số Hà Nội kéo về đó, ngày thường thì vài chục xe. Về việc cho rằng bà Tranh thu tiền chữa bệnh, chúng tôi kiểm tra chẳng có bằng chứng gì, chẳng có thuốc gì nên rất khó giải quyết”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Công Lương, Chủ tịch UBND xã Thanh Vân khẳng định, ông không tin việc bà Tranh chữa khỏi bệnh, vì không có cơ sở khoa học.
“Từ năm 2010, Phòng Y tế huyện Tam Dương, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra việc bà Tranh chữa bệnh, nhưng cũng chưa có kết luận gì. Chúng tôi không biết về chuyên môn nên không kết luận và xử lý được. Vả lại bà Tranh chỉ hát và cầm tay chứ không kê đơn bốc thuốc. Nếu bà Tranh chữa được bệnh thì nên xin giấy phép để hoạt động”, ông Lương nói.
Theo ông Lương, cách đây vài ngày, xã đã mời bà Tranh lên trụ sở ủy ban, đề nghị dừng việc chữa bệnh. “Nhưng có hàng trăm bệnh nhân đi theo bà Tranh, nên chúng tôi rất khó xử lý”, ông Lương nói.
Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nhà nghiên cứu lên tiếng
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người) cho biết, khả năng chữa bệnh bằng truyền năng lượng của bà Tranh đang là đề tài nghiên cứu của Viện.
Theo ông Hải, bà Tranh nên cử người làm một cuốn sổ thống kê như là bệnh án của bệnh nhân, ghi chi tiết tên, tuổi, địa chỉ, tình trạng người bệnh trước và sau khi đến chữa bệnh tại nhà. Sau đó nhờ các cơ sở y tế có đủ chuyên môn để kiểm chứng.