> Tượng phật chùa Bái Đính xuống cấp vì du khách
> Quy hoạch lễ hội khả thi đến đâu?
Chùa Bà Đanh, Núi Ngọc là cụm di tích thắng cảnh cấp quốc gia tiêu biểu, thuộc địa bàn làng Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Cụm di tích này nằm bên tả sông Đáy. Cảnh quan chùa, núi trang nghiêm, u tịch, thơ mộng trữ tình.
Chùa tên chữ Bảo Sơn Tự, mang nét chung của các ngôi chùa dòng Phật giáo Đại thừa, lại có nét riêng độc đáo. Điện thờ phong phú các tượng Phật, Bồ Tát, hộ pháp và tượng của đạo giáo như Thái thượng lão quân, Nam Tào, Bắc Đẩu… Nhà Tổ thờ tổ sư phái Thiên Tông. Phủ Mẫu thờ các tượng Tam Tòa, Tứ Phủ.
Đặc biệt, trong chùa có pho tượng của tín ngưỡng bản địa là Pháp Vân (Phật bà Man Nương) đứng đầu tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.
Sự tích Pháp Vân được chép trong bản “Cổ châu tứ pháp ngọc phả” bằng chữ Hán do tiến sỹ Đỗ Huy Liệu soạn vào ngày 15 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1918), còn lưu giữ ở chùa.
Truyền thuyết của địa phương còn nói đến việc thờ nữ thần linh thiêng, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Dân làng lập chùa thờ bà trong khu rừng đầu làng ven sông Đáy, ban đầu còn đơn sơ, đến năm Vĩnh Trị đời vua Lê Hy Tông (1676 – 1680) thì xây dựng ngôi chùa mới khang trang.
Dân địa phương đặt tên chùa là Đức Bà làng Đanh, gọi tắt chùa Bà Đanh, tên còn tồn tại đến ngày nay.
Nơi ấy cây cối um tùm, nhiều thú dữ, không có nhà dân ở, do vậy cảnh chùa càng thêm thâm nghiêm, vắng vẻ, ít người qua lại, nên mới có câu “Vắng như chùa Bà Đanh”.
Được sự quan tâm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, của tỉnh Hà Nam, chùa Bà Đanh được đầu tư tu bổ, tôn tạo lớn gồm nhiều hạng mục tạo thành quần thể liên hoàn với tam quan, ngôi chùa chính, tả vu, nhà Tổ, phủ Mẫu, nhà khách, nhà ni và các công trình phụ trợ ngoài khuôn viên chùa.
Ngôi chùa là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư quý hiếm, nhất là tượng Phật, Bồ Tát, khánh đá, đại tự, câu đối, nhang án…
Sáu bộ vì của tòa bái đường ít thấy ở các ngôi chùa khác, đặc sắc và độc đáo, vì nóc kiểu vành mai, chạm khác cả hai mặt với các mô típ tứ linh, động thực vật kết hợp thành những đề tài ngũ phúc, bát bảo… nét chạm tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Bên cạnh những giá trị nổi bật về tâm linh, tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Bà Đanh là cơ sở tin cậy. Sư cụ Thích Tâm Ngọ trụ trì đã vinh dự được nhận huân chương kháng chiến hạng Nhất.
Đã thành lệ từ bao đời, hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội chùa Bà Đanh. Nhân dân địa phương và khách thập phương vào chùa thắp hương lễ Phật cầu điều thiện, điều lành, mọi sự may mắn…, đồng thời vãng cành chùa thưởng ngoạn non xanh, nước biếc…
Cùng các nghi lễ trang nghiêm, thành kính là các trò chơi dân gian: chọi gà, kéo co, đua thuyền chai, cờ người…diễn các tích chèo cổ, hát các làn điệu dân ca.