Liên quan Dự án LNG Bạc Liêu bị chậm tiến độ, ngày 4/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, dự án với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ USD, trải qua gần 3 năm đến nay vẫn chậm tiến độ.
"Khó khăn hiện nay là việc nhà đầu tư kí hợp đồng giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Các bên đã đàm phán nhiều lần nhưng chưa ký được. Đến nay chưa thống nhất về giá điện. Nếu không ký hợp đồng thì bán điện ở đâu?", Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin.
Đối việc chuyển đổi ngoại tệ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm: Nhà đầu tư đầu tư 4 tỷ USD vào Việt Nam. Khi họ bán điện và thu về bằng tiền Việt Nam đồng thì có được đổi ra USD để chuyển ra nước ngoài hay không? Vấn đề này cần được cam kết rõ. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng mong muốn được bảo lãnh Chính phủ cho dự án để họ có thể huy động vốn từ các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên vấn đề này chưa có tiền lệ nên còn gặp vướng mắc.
Theo ông Thiều, tỉnh Bạc Liêu đã làm hết mình, còn trách nhiệm giải quyết vướng mắc sau này thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành trung ương, đặc biệt Bộ Công Thương và thẩm quyền của Chính phủ. Nếu dự án này được triển khai và đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trước đó, đầu năm 2020, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ trao quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy LNG Bạc Liêu 3.200MW, thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu, do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư dự án và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 93.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% và vốn vay chiếm tối đa 85%. Dự án trở thành dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ trước tới nay.
Nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đến cuối tháng 12/2020) để hoàn thành chuẩn bị đầu tư và 36 tháng để triển khai xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG; trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tua bin khí giai đoạn 1 (công suất 750MW) vào cuối năm 2023; tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200MW trước tháng 12/2027 theo quy hoạch điện VII.
Nhiều hoạt động tại Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022
Sáng 4/8, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức buổi họp báo thông tin về ngày Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.
Theo Ban tổ chức, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (01/01/1997 - 01/01/2022). Thông qua các hoạt động của Ngày hội nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh về “đất và người” Bạc Liêu đến với bạn bè trong nước và quốc tế; tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và văn hóa, du lịch tỉnh nhà.
Theo đó, ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Liên hoan Đờn ca tài tử; khảo sát đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch mới của tỉnh; Liên hoan nhạc Ngũ âm và múa dân gian Khmer; tổ chức không gian “Hội tụ tinh hoa Di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền” (gồm: Dân ca quan họ; Ca trù; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nghệ thuật Bài chòi; Hát Chèo; Đờn ca tài tử Nam Bộ).
Ngoài ra, sẽ có một số hoạt động diễn ra trước Ngày hội như: Trại sáng tác ảnh nghệ thuật du lịch Bạc Liêu năm 2022 với chủ đề “Du lịch Bạc Liêu hội nhập và phát triển”; Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về thành tựu 25 năm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu và ảnh đạt giải cao của Trại sáng tác ảnh nghệ thuật du lịch Bạc Liêu 2022; Hội chợ Công nghiệp - Thương mại - Du lịch và sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu, Hội nghị “Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố.
Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022 là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội cấp tỉnh, với sự tham gia khoảng 800 đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Các sự kiện chính diễn ra từ ngày 27/11 đến ngày 29/11.