Chủ tịch CIMCO dùng loạt hợp đồng khống lừa các ngân hàng

TPO - Vị chủ tịch thuê 1 cty nước ngoài ký cùng lúc các hợp đồng xuất – nhập thép với mình để tạo hồ sơ vay vốn. Trong khi đó, các cán bộ ngân hàng không kiểm tra hoặc vi phạm các quy định nên nhanh chóng bị lừa đảo.
Các bị cáo tại tòa.

Ngày 15/10, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm Chu Minh Ngọc (SN 1976, ở Hà Nội) – Chủ tịch kiêm TGĐ Cty TNHH Xây lắp và Vật liệu công nghiệp (CIMCO) cùng 12 đồng phạm về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngoài Cty CIMCO, Chu Minh Ngọc còn lập và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Cty TNHH vật tư kỹ thuật TMC; Cty TNHH Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị Tam Sơn; Cty xuất nhập khẩu CIM.

Theo truy tố, từ năm 2010, CIMCO kinh doanh thua lỗ, không còn khả năng thanh toán nợ vay đến hạn tại các ngân hàng. Vì vậy, Chu Minh Ngọc đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền vay từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Cụ thể, năm 2010, ông Ngọc chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ kinh doanh, gửi OCB chi nhánh Thăng Long để xin vay 100 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là nhà máy thép tại khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) và hàng hóa hình thành từ vốn vay. Sau đó, Chu Minh Ngọc không trả hết nợ mà chiếm đoạt gần 29 tỷ đồng của OCB Thăng Long.

Năm 2011, do cần tiền trả nợ ngân hàng An Bình, bị cáo Ngọc nhờ Davis Tuấn – đại diện Cty Metalloyd của Anh tại Việt Nam ký hợp đồng mua hơn 2.340 tấn thép từ Cty CIM và sau đó bán lại số thép này cho CIMCO để CIMCO bán lại cho chính Cty CIM; Metalloyd được nhận từ 5 – 6 USD/tấn. Trên thực tế, số thép vẫn “nằm yên”.

Tiếp đến, Ngọc sử dụng hợp đồng nhập khẩu giữa CIMCO và Metalloyd để vay gần 32 tỷ đồng từ OCB Thăng Long, tài sản đảm bảo là 2.340 tấn thép nói trên. Đồng thời, bị cáo này sử dụng pháp nhân của Cty CIM và hợp đồng CIMCO bán thép cho Cty CIM để vay hơn 1,6 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển.

Sau khi các ngân hàng giải ngân, Chu Minh Ngọc dùng tiền vay từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển trả cho Ngân hàng An Bình; dùng tiền từ OCB Thăng Long trả cho ngân hàng Đầu tư và phát triển. Tuy nhiên, Ngọc chỉ đạo bán hơn 2.390 tấn thép là tài sản thế chấp, không bàn giao cho OCB. Qua đây, bị cáo chiếm đoạt thêm hơn 20 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2011, CIMCO được PGBank chi nhánh Thăng Long cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 200 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là nhà đất tại khu B1 Đầm Trấu (Hà Nội) và thép tồn kho.

Để được PGBank giải ngân, Chi Minh Ngọc chỉ đạo cấp dưới lập khống các hợp đồng mua bán thép giữa CIMCO và các cy Tam Sơn, TMC, Cty Vinarich. Vì vậy, PGBank Thăng Long đã cho CIMCO vay hơn 300 tỷ đồng và bị chiếm đoạt gần 83 tỷ đồng.

Bị cáo Chu Ngọc Minh.

Cơ quan truy tố xác định, giúp sức cho hành vi lừa đảo của Chu Minh Ngọc là các bị cáo Lê Thị Hương – kế toán trưởng CIMCO; Hà Trùng Dương – Chủ tịch Cty Tam Sơn; Trần Mạnh Hải – thành viên Cty Vinarich (nay là Cty Phú Thịnh); Lê Thành Dũng – GĐ Cty Vạn Lộc.

Ngoài ra, các bị cáo Vũ Duy Trinh – nguyên Phó TGĐ Cty CP dịch vụ bảo vệ 24/7 và Nguyễn Văn Phượng – Đội trưởng Cty CP dịch vụ bảo vệ Năm Sao đã ký khống nhiều hợp đồng bảo vệ tài sản đảm bảo khoản vay, biên bản kiểm tra tài sản… giúp Chu Minh Ngọc “qua mặt” các ngân hàng.

Vì vậy, 7 bị cáo trên bị VKSND Tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tiếp đến, các bị cáo Vũ Đức Thực – nguyên GĐ OCB Thăng Long cùng các nhân viên Hoàng Văn Đông – Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp; Nguyễn Văn Khuê – chuyên viên Phòng khách hàng doanh nghiệp đã vi phạm quy định về điều kiện vay vốn; nhập kho, mua bảo hiểm tài sản thế chấp… tạo điều kiện cho Chu Minh Ngọc lừa đảo tiền của OCB.

Tương tự, các bị cáo Lương Duy Huỳnh – nguyên GĐ PGBank Thăng Long và các cấp dưới Tô Quang Tuyển, Nguyễn Thị Vân Khánh đã vi phạm quy chế cho vay, quy chế đảm bảo tiền vay… khiến Chu Minh Ngọc chiếm đoạt được tiền của PGBank.

Vì vậy, 6 bị cáo là cán bộ các ngân hàng nói trên bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 5 ngày.