Chủ nợ nhà máy vàng lớn nhất Việt Nam nói gì?

TP - Chủ nợ lớn nhất tại Phước Sơn của Cty TNHH Vàng Phước Sơn cho biết, Cty TNHH Vàng Phước Sơn đã bội ước với Cty Quảng An và người dân khi lần lượt hứa hẹn trả nợ nhưng không thanh toán.

> Nhà máy vàng lớn nhất Việt Nam nợ dân từng bó rau, ổ bánh mỳ
> Gần 200 người vây nhà máy vàng đòi nợ

Đến cuối chiều ngày 27/12, Cty TNHH Vàng Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn ngừng hoạt động mặc dù người dân và đại diện Cty Quảng An không còn tụ tập tại nhà máy.

Trước đó chiều ngày 26/12, Cty vàng Phước Sơn đã có thông báo cho công nhân kỹ sư nhà máy vì lý do “bất khả kháng” nên tất cả các nhân viên và nhà thầu đang làm việc tại mỏ vàng Phước Sơn ngừng làm việc. Ngay trong tối 26 và sáng ngày 27/12, hàng trăm công nhân kỹ sư của nhà máy vàng Phước Sơn đã bắt đầu rút khỏi thị trấn Khâm Đức.

Chủ các nhà nghỉ khách sạn nơi có công nhân lưu trú cho biết, số lượng công nhân, kỹ sư của Cty TNHH Vàng Phước Sơn đã rút về hết. Tuy nhiên, nhiều công nhân tỏ ra bất bình trước việc Cty thiếu nợ người dân với số lượng lớn, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn.

“Công nhân nghỉ làm thì kiếm việc khác. Người dân bị thiếu nợ lâm vào đường cùng trở nên khốn đốn mới đáng thương. Công ty cần thanh toán nợ nần cho người dân trước đã” một nam công nhân bức xúc. Theo một đại gia có kinh nghiệm trong giới làm vàng ở Phước Sơn (xin được giấu tên) nhận định: Rất có thể công ty đang cố tình ém vàng trong thời điểm giá vàng xuống thấp.

Tại văn bản số 1069 gửi UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan, ông Phạm Quang Ngũ, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH Vàng Phước Sơn cho rằng: công ty cũng đã và đang trong giai đoạn hết sức khó khăn về mọi mặt đang cố gắng nỗ lực để tiếp tục duy trì sản xuất, tạo doanh thu nhằm thanh toán dần dần các khoản nợ thuế, nợ các đối tác, nhà thầu và duy trì công việc cho gần 1.000 lao động của công ty.

Ông Ngũ cho rằng: “Hành vi chặn đường của những người Công ty Quảng An và một số tiểu thương tại huyện Phước Sơn là bất hợp pháp và kích động người dân địa phương”.

Ngày 27/12, tiếp xúc với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức có vợ là giám đốc Cty Quảng An, chủ nợ lớn nhất tại Phước Sơn của Cty TNHH Vàng Phước Sơn cho biết, đã viết đơn xin từ chức, vì xét thấy mình vi phạm điều lệ Đảng và không muốn ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền địa phương.

Lý giải về việc người của Công ty Quảng An kéo lên nhà máy Vàng Phước Sơn siết nợ, ông Thắng cho biết: Do Cty vàng Phước Sơn đã vi phạm hợp đồng, trong khi chưa thanh toán nợ cho Cty Quảng An đã kêu nhà thầu khác lên vận chuyển quặng, khiến người của Cty Quảng An và người dân góp vốn bức xúc.

“Chúng lên để chặn xe nhà thầu mới để phản đối, giữ đường không cho chở quặng đi. Người dân bị thiếu nợ nên cũng kéo lên, không hề có chuyện kích động hay lôi kéo người dân!”, ông Thắng nói

 Hiện công ty đã có kế hoạch trả nợ cho các chủ thầu và cho người dân. Công ty chỉ trả nợ trong điều kiện công ty hoạt động bình thường và sẽ trả nợ trong vòng 3 - 4 tháng tới  

Ông Ngũ nói


Ông Thắng cho biết: Cty TNHH Vàng Phước Sơn đã bội ước với Cty Quảng An và người dân khi lần lượt hứa hẹn trả nợ nhưng không thanh toán. Hiện tại, gia đình ông đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, với số tiền 32 tỷ đồng trong đó có 4 tỷ đồng vay ngân hàng. Trong khi đó, số tiền mà Cty TNHH Vàng Phước Sơn đang thiếu nợ Cty Quảng An 18 tỷ đồng chưa kể số tiền nợ của tháng 12 chưa biết bao giờ trả.

Công ty TNHH Vàng Phước Sơn và Cty Quảng An đã làm với nhau hơn 10 năm, chưa hề có tranh chấp, thiếu nợ. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 và năm 2013, Cty TNHH Vàng Phước Sơn chần chừ trả nợ, khiến công ty lao đao. Trong khi số vốn hoạt động đều do ông Thắng dùng uy tín để huy động vốn của người dân thị trấn Khâm Đức cùng làm ăn.

Ông Thắng giãi bày: 27 năm làm việc tại địa phương, ông chưa hề làm ảnh hưởng uy tín của cơ quan, nhà nước. Gia đình ông đã bị đẩy vào thế đường cùng, hết đường nên buộc ông phải từ chức để đi đòi nợ cùng vợ và người dân. Hiện gia đình ông đang tính đến phương án bán xe cộ, tài sản để trả một phần nợ cho người dân góp vốn cùng Cty. “Tôi giờ hết đường, chỉ còn đường chết”, ông Thắng nghẹn ngào.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, liên quan đến hoạt động của nhà máy vàng Phước Sơn, chiều ngày 27/12, ông Phạm Quang Ngũ, Phó tổng giám đốc Cty TNHH Vàng Phước Sơn cho biết: Ngày 28/12, nhà máy sẽ hoạt động trở lại, vì Cty đã làm việc với lãnh đạo huyện và đại diện nhà thầu Cty Quảng An và đạt được một số thỏa thuận.

Theo ông Ngũ, trong năm 2013, tình hình tài chính của Tập đoàn Besra và Cty TNHH Vàng Phước Sơn gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc thua lỗ và thiếu nợ nhà thầu cũng như người dân. Nguyên nhân chính theo ông Ngũ là giá vàng xuống thấp, điều kiện hầm lò khai thác ngày càng xuống sâu, khó khăn làm tăng chi phí sản xuất trong khi hàm lượng vàng lại thấp.

Chính sách thuế của Việt Nam thay đổi liên tục và càng cao. Ngoài ra, từ ngày 17/11, Cty vàng Bồng Miêu (một công ty con khác của tập đoàn Besra) phải đóng cửa do sạt lở, nên áp lực trả nợ cho ngân hàng nhà thầu lớn, khiến Công ty TNHH Vàng Phước Sơn liên tục gặp khó khăn, thiếu nợ chủ thầu và người dân.

“Hiện công ty đã có kế hoạch trả nợ cho các chủ thầu và cho người dân. Công ty chỉ trả nợ trong điều kiện công ty hoạt động bình thường nhưng ít nhất cũng phải từ 3 đến 4 tháng mới trả được”, ông Ngũ nói.

Ông Ngũ cũng khẳng định, tình hình Nhà máy vàng Phước Sơn bị phong tỏa như hiện nay nếu chính quyền không giải quyết được thì công ty sẽ báo cáo cấp cao hơn.

Theo Báo giấy