Mỗi ngày trả lãi 1,5 tỉ đồng
Chủ đầu tư dự án KT ở Q.7, TP.HCM vay ngân hàng (NH) đến 1.300 tỉ đồng đầu tư vào một dự án quy mô lên đến gần 2.000 căn hộ. Đến nay dự án đã dừng thi công gần 2 năm, sau khi đã xây dựng được gần 50% khối lượng công trình. Số tiền vay gốc và lãi đã lên đến gần 2.200 tỉ đồng, mỗi ngày phải trả 1,5 tỉ đồng tiền lãi.
Hiện doanh nghiệp (DN) này đang rất cần 500 tỉ đồng để hoàn thiện dự án nhưng các NH không dám bơm thêm tiền. Quá khó khăn, chủ đầu tư này phải chọn cách nài nỉ các NH siết nợ, phát mãi tài sản phần dự án đang dở dang để trừ nợ. Nhưng NH không chịu mà yêu cầu tiếp tục đóng lãi, bởi NH không thể ôm một dự án lớn dở dang. Không lối thoát, DN này đang nằm nhìn lãi vay dần dần ăn hết vốn liếng của mình.
Chủ đầu tư một dự án bất động sản (BĐS) khác ở huyện Bình Chánh cũng trong tình cảnh tương tự. Nữ chủ nhân dự án nói: “Mỗi ngày nhìn tòa nhà đã xây dựng xong phần thô, không có tiền xây hoàn thiện để giao nhà cho khách hàng, là thấy muốn bệnh”. Trong khi đó, NH cho vay vốn đang dọa sẽ đem phát mãi dự án này nếu DN không thể tiếp tục trả nợ. Nếu điều này xảy ra, chủ đầu tư sẽ trắng tay, số tiền huy động trước của khách hàng mua căn hộ theo dạng góp vốn đầu tư chẳng biết phải tính sao. Nợ gốc đã hơn 360 tỉ đồng, chưa tính lãi vay, nay muốn bán rẻ dự án dở dang này nhưng không biết có thể tìm người mua ở đâu.
Theo thống kê của UBND TP.HCM, trong số 1.386 dự án nhà ở tại TP hiện có 712 dự án phải ngưng triển khai, 85 dự án bị thu hồi... Rất nhiều dự án trong đó đã thi công xong phần thô nhưng thiếu vốn, không thể hoàn thiện để đưa ra bán.
Nhiều cửa nhưng... không mở
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, hiện nhiều chủ đầu tư những dự án đang xây dựng dở dang gần như đã hoàn toàn bế tắc. Ông Châu kiến nghị NH nên khoanh nợ, giảm lãi vay cho DN, cân nhắc việc tiếp tục cho vay đối với những dự án thuộc diện này để chủ đầu tư có thể hoàn thiện, đưa sản phẩm ra bán và từ đó có thể trả nợ cho NH.
“Làm được vậy thì chủ đầu tư được cứu, NH thu được vốn và người dân sẽ có được căn hộ giá rẻ”, ông Châu phân tích. Đã có một số dự án chủ đầu tư được khách hàng mua nhà cứu bằng cách tiếp tục nộp tiền vào, dưới sự giám sát chặt chẽ của NH, để giúp dự án tiếp tục hoàn thành. Nhưng không phải chủ đầu tư nào cũng may mắn được như vậy.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho rằng từ tháng 10.2013, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các NH đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nợ, nói rõ DN nợ xấu nhưng có phương án sản xuất kinh doanh mới sẽ được NH xem xét tính khả thi, hiệu quả của dự án để tính toán cho vay.
Đối với các DN kẹt tài sản thế chấp vào các khoản nợ cũ, NH có thể thực hiện cho DN vay tín chấp, hỗ trợ DN thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng và cho vay thế chấp bằng dòng tiền bán hàng của DN. Đối với các khoản nợ đến hạn nhưng DN gặp khó khăn thì NH căn cứ vào khả năng tài chính của mình để xem xét, xử lý miễn, giảm lãi vốn vay, không thu lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau. Trường hợp DN đã trả xong nợ gốc thì NH thỏa thuận thống nhất với DN để có kế hoạch thu dần lãi.
“Quy định hiện nay không cấm NH cho vay đối với BĐS như trước đây”, ông Minh nói.
Chủ tịch HĐQT một NH cổ phần cũng xác nhận trước đây NH nào cho DN có nợ xấu vay thì bị xử lý, nhưng nay các rào cản đã được tháo gỡ. Thế nhưng dù đang dư tiền, rất cần cho khách hàng đủ điều kiện vay, nhưng NH không dám cho vay đối với những DN có nợ xấu cũ, vì lo không giải quyết được nợ cũ, nợ xấu mới lại xuất hiện.
“Không nói thì làm sao hỗ trợ”
Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh, cho rằng: “Đối với những DN đang xây dựng dở dang dự án BĐS, sử dụng vốn đúng mục đích thì NH vẫn triển khai cho vay để hoàn tất công trình. Thế nhưng thực tế có DN BĐS dùng vốn vay vào mục đích khác, do đó NH phải thu hồi lại vốn và không cho vay nữa. Có DN cứ phản ánh NH không cho vay, nhưng khi hỏi cụ thể là NH nào thì DN lại không chịu nói, vậy thì làm sao chúng tôi có thể hỗ trợ DN được?”.
Theo Thanh Niên