Ngày 24/8, nguồn tin từ Công an huyện Yên Phong cho biết, cơ quan điều tra đang mở rộng vụ việc vợ chồng bà Nguyễn Thị Khanh (57 tuổi, trú tại thôn Phấn Động, xã Tam Đa huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) tuyên bố vỡ nợ với số tiền lên tới hơn 120 tỷ đồng. Vụ việc khiến ông Trung (chồng bà Khanh) uống thuốc diệt cỏ tử tự gây xôn xao dư luận.
Theo cơ quan công an, kết quả điều tra ban đầu xác định, bà Khanh và một phụ nữ ở địa phương có quan hệ vay tiền. "Tuy nhiên, người phụ nữ kia cho rằng chỉ vay 17 tỷ đồng, còn số tiền 120 tỷ đồng là do bà Khanh tự ghi, không có xác nhận. Cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra để làm rõ", vị lãnh đạo Công an huyện Yên Phong thông tin.
Còn Chủ tịch UBND xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh) cho hay, ngày 14/8, nhận được thông tin vợ chồng bà Khanh tuyên bố vỡ nợ, lãnh đạo địa phương đã họp, giao nhiệm vụ cho công an xã có biện pháp ngăn chặn tình trạng các đối tượng đến đòi nợ, đề phòng các tình huống manh động. Đồng thời, báo cáo vụ việc với Công an huyện Yên Phong. Thời điểm này, bà Khanh cũng đã gọi các “chủ nợ” đến để viết giấy vay và hứa hoàn trả.
Theo ông Tôn, sáng 21/8, ông Trường (chồng bà Khanh) có gọi cho người nhà và công an báo có mấy người đang đến đòi nợ gia đình. Sau đó, người thân và lực lượng chức năng đến nhà ông Trường thì phát hiện ông này đã uống thuốc diệt cỏ tự tử nên đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do thuốc ngấm quá nặng, chiều cùng ngày, người thân đưa ông Trường về nhà, đến ngày 22/8, ông Trường tử vong.
Trước khi tự tử, ông Trường có mang đến UBND xã một lá đơn đề nghị công an xã bảo vệ gia đình vì có nhiều người đến đòi nợ. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu làm các thủ tục liên quan thì ông Trường rút đơn. Sau đó dẫn đến sự việc đáng tiếc.
Ông Tôn nói và cho biết, trong lá đơn, ông Trường có nói vợ mình đứng tên vay số tiền cùng người khác buôn gỗ và ông Trường không trực tiếp liên quan gì đến việc này. Cách đây vài ngày, xã nhận được đơn của bà Khanh với nội dung cho một người tên Trần Thị Bích (39 tuổi) ở thôn Đại Lâm (xã Tam Đa) vay số tiền 120 tỷ đồng chia làm 2 lần để buôn gỗ. Tuy nhiên, buôn gỗ hay huy động “chơi hụi” với thỏa thuận lãi suất lớn ra sao thì đang điều tra. Hiện, bà Bích vẫn sinh sống ở địa phương và không có biểu hiện hoang mang, lo sợ.
“Qua nắm bắt tình hình có hơn 300 hộ đã cho bà Khanh vay tiền, ít nhất khoảng vài chục triệu, cao nhất khoảng 5 tỷ đồng. 10 năm trước, trên địa bàn cũng xảy ra sự việc huy động tiền rồi bị vỡ nợ tại địa phương nhưng số tiền ít hơn khoảng 30-40 tỷ đồng, sau đó họ khắc phục bằng cách thu hồi của những người nợ họ để trả, phần khác họ xin khất nợ hoặc xin trả tiền gốc”, ông Tôn nói.