Chợ xây rồi… để đó

TP - Tây Nguyên có những khu chợ đầu mối được xây dựng khang trang nhưng không có lối vào, hoặc thiếu công trình phụ trợ, nên tiểu thương không kinh doanh được, còn người dân phải buôn bán trên lòng lề đường, cản trở giao thông…

> Phí cao, xa rời tập quán
> Ngược đời xây chợ bỏ hoang

Chợ liên xã Đăk Mol - Đăk Hòa huyện Đăk Song tỉnh Đăk Nông bị bỏ hoang.

Đầu năm 2012, dự án chợ Tân Hòa (thuộc phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được khởi công xây dựng với kinh phí trên 31 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT, để thay chợ cũ đã xuống cấp. Dự kiến, chợ đi vào hoạt động tháng 1/2013 với quy mô 400 quầy sạp. Đến nay, chợ đã hoàn thành, nhưng vắng bóng tiểu thương, vì không có cổng vào.

Anh Nguyễn Tấn Thành, nhân viên Cty TNHH Nhân Phú (chủ đầu tư), cho rằng, chính quyền địa phương chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng dẫn đến đơn vị thi công chưa xây đường vào chợ được, nên tiểu thương không chịu chuyển từ chợ cũ sang chợ mới. Hằng tháng, Cty vẫn phải trả lãi ngân hàng trên 100 triệu đồng, trả tiền thuê đường tạm vào là 1 triệu đồng/tháng, anh Thành nói.

Chợ cũ đã xuống cấp, gần đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. “Ở đây không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ cháy nổ rất cao và hay xảy ra mất cắp nên tiểu thương rất muốn được chuyển nhanh vào chợ mới. Nhưng chợ chưa có cổng thì vào đó biết bán hàng cho ai. Chúng tôi đã đóng tiền thuê, mua kiốt rồi, hằng tháng phải trả lãi. Nếu tới đây chợ vẫn chưa làm được đường vào thì chúng tôi sẽ lấy tiền lại”, bà Cao Thị Mua, tiểu thương chợ Tân Hòa, nói.

Chợ khang trang nhưng không có lối vào.

Dự kiến, kinh phí giải phóng mặt bằng và làm đường vào chợ vào khoảng 7 tỷ đồng. Trong đó, cổng vào chợ có 2 làn đường, rộng 75m, dài 100m và một đường ngang ngoài khu chợ dài 200m, rộng 24m. Do 13 hộ dân sống cạnh quốc lộ 26 không chịu di dời, cho rằng phương án đền bù chưa hợp lý, nên dự án ách tắc.

Ông Bùi Thanh Gấm, Phó chủ tịch UBND phường Tân Hòa, khẳng định: “Các hộ dân đã lấn chiếm đất hành lang quốc lộ 26 nên không thể đền bù giá đất mà chỉ đền bù kiến trúc và cây trồng trên đất. Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất bán đất trả chậm (đất mặt tiền dọc quốc lộ 26) và thông báo bà con đến nhận tiền nhưng họ vẫn cố tình chống đối. Sắp tới nếu họ không chấp hành, chúng tôi sẽ cưỡng chế”.

Chợ thành trường mầm non

Khảo sát tình hình hoạt động của các chợ ở tỉnh Đăk Nông, các cơ quan chức năng phát hiện hàng chục chợ được xây với số tiền hàng chục tỷ đồng, nhưng xây xong nằm đắp chiếu.

Theo thống kê, Đăk Nông có 47 chợ được đầu tư xây dựng từ những năm 2003-2011 với tổng số vốn khoảng 136,4 tỷ đồng. Trong đó có bảy chợ không hoạt động, hai chợ hoạt động không hiệu quả.

Khảo sát tình hình hoạt động của các chợ ở tỉnh Đăk Nông, các cơ quan chức năng phát hiện hàng chục chợ được xây với số tiền hàng chục tỷ đồng, nhưng xây xong nằm đắp chiếu.

Chợ đầu mối nông sản Nam Dong (ở thôn Tân Bình, xã Nam Dong, huyện Cư Jút) được xây trên diện tích đất 3,7ha, có tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng, hoàn thành tháng 4/2008. Nhưng từ đó đến nay, chợ này chưa có phiên họp nào đúng nghĩa và người dân không vào đây mua bán, trao đổi nông sản.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đăk Nông, nguyên do của tình trạng này là do các địa phương tranh thủ nguồn vốn, cứ có vốn là xây mà không xác định nhu cầu thực tế tại địa phương mình. Nhiều chợ xây quá xa khu dân cư đi lại khó khăn, còn những chợ xây theo chương trình 135 thì chỉ có một cái nhà lồng trơ trọi, không có sạp hàng, nước sinh hoạt... dẫn đến việc tiểu thương từ chối vào chợ.

Sở Công Thương tỉnh Đăk Nông mới đây phối hợp các huyện tiến hành các biện pháp khắc phục. Qua đó, cho chuyển một số chợ hoang thành trường học, nhà văn hóa xã.

Cụ thể, chợ liên xã Nam Bình, Đăk Song cải tạo để chuyển thành trường mầm non bán trú với 6 lớp học; chợ xã Cư K’nia (huyện Cư Jút) chuyển sang làm nhà văn hóa trung tâm của xã; chợ Nam Dong chuyển sang cho doanh nghiệp thuê làm văn phòng và nhà máy thu mua nông sản. Các chợ còn lại tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, để tiểu thương vào kinh doanh.

Theo Báo giấy