Gần một nửa ngân hàng trong hệ thống đã công bố số liệu kinh doanh trong nửa đầu năm 2018, với tình hình chung tương đối tích cực.
Tuy nhiên, một đặc điểm duy trì từ quý I đến nay là tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng hầu hết đều cao hơn tăng trưởng thu nhập lãi thuần, khoản thu từ lãi cho vay vốn được đánh giá là "nồi cơm" chính. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đa phần các nhà băng chỉ quanh ngưỡng 9-11% so với đầu năm.
Được ví như "anh cả" của hệ thống ngân hàng, Vietcombank lãi trước thuế trong nửa đầu năm 2018 đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch năm và tăng 53% so với cùng kỳ năm 2017. Với điểm rơi hoạt động kinh doanh thường đặt vào giai đoạn cuối năm, con số lợi nhuận cả năm nay của Vietcombank có khả năng sẽ xô đổ kỷ lục của chính họ năm trước.
Cũng như quý đầu tiên của năm 2018, động lực tăng trưởng cho ngân hàng này được san ra cả những khoản thu khác, bên cạnh thu nhập lãi thuần. Theo báo cáo tài chính của Vietcombank, thu nhập lãi thuần tăng hơn 19% so với cùng kỳ, xếp vị trí gần chót bảng nếu xét về mức tăng trưởng các nguồn thu.
Hoạt động khác, một phần đến từ việc thu hồi các khoản nợ đã xử lý, đem về cho Vietcombank gần 2.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 162% so với cùng giai đoạn năm 2017. Thu từ thoái vốn cũng đạt gấp hơn 3 lần, trong khi lãi thuần từ dịch vụ vượt 1.700 tỷ, tăng gần 32%.
Tuy nhiên, dù lãi đậm nhưng tổng tài sản của Vietcombank lại có biến động ngược chiều khi lần đầu về dưới một triệu tỷ đồng từ đầu năm 2018. Đến cuối quý II, tổng tài sản của ngân hàng này giảm gần 60.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Ở phần nguồn vốn, biến động lớn nhất với Vietcombank là chỉ tiêu tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, giảm gần 100.000 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Đối ứng ở phần tài sản, tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác cũng giảm tương đương, từ mức gần 233.000 tỷ đầu năm xuống còn 142.500 tỷ đồng.
Thiếu hụt đi nguồn tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể là lý do Vietcombank thu hẹp hoạt động trên liên ngân hàng, thị trường vốn duy trì ở nền lãi suất khá thấp kể từ đầu năm.
Các khoản thu ngoài lãi ngày càng đóng góp lớn hơn vào lợi nhuận của các ngân hàng.
VPBank - ngân hàng có lợi nhuận đứng thứ hai trong danh sách những nhà băng công bố báo cáo tài chính, cũng có sự biến động tương tự. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt gần 4.400 tỷ đồng, tăng gần 35%, trong khi thu nhập lãi thuần của ngân hàng này chỉ tăng gần 27%.
Khoản đột biến với VPBank là thu nhập khác đạt gần 1.600 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Trong đó, gần một nửa đến từ việc VPBank thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
Trong hệ thống, VPBank luôn xếp nhóm đầu những ngân hàng trích lập dự phòng nhiều nhất, một phần do khẩu vị rủi ro cao của công ty tài chính FE Credit (công ty con của VPBank). Tuy nhiên, phần lớn số trích lập được sử dụng ngay trong kỳ để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh. Như giai đoạn nửa đầu năm nay, VPBank trích lập dự phòng hơn 5.100 tỷ đồng nhưng sử dụng hơn 4.700 tỷ để xử lý rủi ro tín dụng.
Những khoản nợ sau khi xử lý được đưa ra ngoại bảng để theo dõi và có thể trở thành nguồn lợi nhuận đột biến khi được thu hồi, như giai đoạn đầu năm 2018.
Tuy vậy, kết quả kinh doanh của VPBank không đạt như kỳ vọng khi chỉ hoàn thành 41% kế hoạch năm. Theo chia sẻ của ban lãnh đạo ngân hàng, một phần lý do đến từ sự đóng góp của FE Credit thấp hơn dự báo. Lợi nhuận do công ty tài chính này mang lại thấp hơn 40% tổng lợi nhuận của VPBank, lần đầu tiên sau nhiều năm đóng góp xấp xỉ 50%. Dù vậy, theo Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh, sự đóng góp của FE Credit giảm xuống cho thấy vai trò của ngân hàng mẹ đang tăng lên.
Ở nhóm thấp hơn, MB cũng chung "kịch bản" khi ngân hàng này tăng lãi một phần nhờ tăng trưởng cao từ hoạt động dịch vụ và lợi nhuận khác. VietBank ghi nhận lợi nhuận gấp 3 lần nhờ lãi từ chứng khoán đầu tư hay BacABank lãi lớn nhờ giảm chi phí dự phòng.
Tuy nhiên, VIB và LienVietPostBank có lẽ là hai trường hợp hiếm hoi đi ngược lại xu thế.
VIB ghi nhận hơn 1.150 tỷ lợi nhuận trước thuế, gấp ba lần cùng kỳ nhờ tăng trưởng cao của thu nhập lãi thuần, trong khi các hoạt động khác không mấy đột biến. Dư nợ tín dụng của ngân hàng này chỉ tăng 9% nhưng thu nhập lãi thuần tăng 55% cùng kỳ, đạt hơn 2.250 tỷ đồng. Đứng thứ hai là hoạt động dịch vụ với mức tăng 87%, nhưng nếu xét theo số tuyệt đối khoản mục này chỉ bằng 14% thu nhập lãi thuần.
LienVietPostBank là trường hợp duy nhất có lợi nhuận trước thuế sụt giảm so với cùng kỳ. Trước đó trong quý I, ngân hàng này cũng xếp chót bảng với mức tăng trưởng chưa tới 10%.
Nguyên nhân chính, theo giải trình của ngân hàng, là việc trích lập dự phòng chứng khoán đầu tư và tăng chi phí hoạt động do mở rộng mạng lưới chi nhánh. Nửa đầu năm, LienVietPostBank chịu lỗ gần 60 tỷ đồng từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 300 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này cũng sụt giảm gần 10% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 2.300 tỷ đồng.