Cô giáo Nguyễn Thanh Huyền là chủ của chú chó tên Capi này. Sau khi hỏa táng, tro cốt của Capi được rải ở thủ đô của Việt Nam. Capi “hưởng thọ” 13 tuổi, chết vì căn bệnh tiểu đường.
Sau khi Capi qua đời, cô Huyền đã gọi tới Bảo Sinh Cat Dog Resort, một khu nghỉ dưỡng với dịch vụ khách sạn, spa, bệnh viện và cả an táng cho thú cưng nằm trên đường Trương Định, Hà Nội.
Cô nói: “Tôi rất vui vì có khu resort như vậy. Nếu không tôi không biết phải làm gì với thi thể của Capi”.
Theo hãng tin Reuters, khu nghỉ dưỡng này là minh chứng cho sự thay đổi nhận thức với vật nuôi ở Việt Nam, đất nước vốn có món đặc sản thịt chó.
Ăn thịt chó là một chuyện, nuôi lại là chuyện khác
Cô Huyền cho biết, Capi là giống chó Chin Nhật, chú được coi như thành viên trong gia đình. Giống như rất nhiều người Việt Nam mua những giống chó “thời thượng” như Chihuahua hay Poodle, có một sự phân biệt rất rõ ràng giữa chó nuôi nhà và chó làm thịt.
Những giống chó đắt tiền trở nên khá phổ biến với giới thượng lưu Việt Nam như biểu tượng của giàu có hoặc để bảo vệ những ngôi nhà lớn.
Anh Nguyễn Duy Hiệp, người chuyên kinh doanh chó cảnh cho biết, một con chó chăn cừu Đức có giá từ 14.000- 40.000 USD (tương đương với 300-850 triệu VND), đôi khi giá còn đắt hơn. Anh sở hữu ba con chó như vậy và tất nhiên anh không bao giờ mơ đến việc ăn thịt chúng.
Anh nói: “Ăn thịt chó là một chuyện nhưng nuôi chó lại là một chuyện khác”.
Mới đây, tại Hà Nội, hơn 300 người nuôi chó cảnh đã cùng tham dự một cuộc thi dành cho chó. Số người tham gia năm nay tăng 7 lần so với cuộc thi đầu tiên tổ chức năm 2009 và các giống chó nước ngoài đắt tiền không phải lúc nào cũng chiến thắng.
Ban giám khảo năm nay đã rất ấn tượng với chú chó Vện, một chú chó Phú Quốc, giống “quốc khuyển” của Việt Nam, 19 tháng tuổi. Với hơn 50 giống chó nước ngoài được chăm chút, đào tạo kỹ lưỡng thì chiến thắng của Vện là một cú sốc lớn đối với ông chủ.
Ông chủ của Vện nói: “Tôi đăng kí cho Vện dự thi chỉ cho vui thôi. Tôi không nghĩ chú rẽ giành chiến thắng”.
Người bạn tốt nhất của con người
Ông Nguyễn Bảo Sinh, chủ sở hữu khu resort dành cho thú cưng đã mở rộng các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của những ông bà chủ muốn đối xử với thú cưng của mình như con người.
Ông bắt đầu xây dựng Bảo Sinh resort vào năm 1992, thậm chí còn có một trung tâm phối giống với các phòng riêng.
Ông nói, ăn thịt chó là điều dễ hiểu khi người ta còn nghèo đói, thiếu lương thực nhưng không phải thời bây giờ, Việt Nam có đủ lương thực, mức sống cũng cao hơn nên ăn thịt chó được coi là tàn nhẫn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thấy ăn thịt chó là tàn nhẫn. Một người chuyên kinh doanh thịt chó tại làng Cao Xá, ngoại ô Hà Nội cho biết trung bình cứ ba ngày, làng của anh nhận được một chuyến xe tải 2 tấn chó sống để giết thịt.
Các quán thịt chó vẫn đông khách mỗi ngày vì người ta cho rằng thịt chó bổ, giàu đạm và có thể mang lại may mắn. Một học sinh cấp ba chia sẻ trong một quán thịt chó ở Hà Nội: “Cháu muốn có một chút may mắn. Cháu sắp thi đại học rồi”.
Phan Yến
Theo Reuters