Kì hoa dị thảo
Những tưởng hoa kiểng mất mùa do hạn mặn xâm nhập. Nhiều nhà vườn miền Tây phải chắt chiu nước ngọt để chăm vụ hoa Tết. Nhờ vậy hoa kiểng từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long…được các nhà vườn đưa lên chợ vẫn đa dạng, phong phú như mai, quất, hoa giấy, vạn thọ, lan, dừa kiểng tạo hình linh vật, mai chiếu thủy… Giá cả bình dân từ vài trăm nghìn đồng đến cao cấp hàng chục triệu.
Theo nhà vườn Nguyễn Quang Hải (Bến Tre) hoa kiểng năm nay đẹp chẳng kém gì năm trước dù gặp nhiều khó khăn thiên tai hạn mặn, dịch bệnh. Cây hoa giấy dễ tổn thương nhất do thời tiết nhưng cũng cho bông đẹp, màu sắc đa dạng lại có nhiều kiểu dáng cây độc lạ. Ngoài ra, những cây mai chiếu thủy, mai vàng đơm nụ chắc nịch trong chậu sứ. Những chậu cúc mâm xôi vàng rực, chậu quất kiểng sai trái cao hơn đầu người cập bến, mang xuân lên phố.
Nhà vườn Lê Hữu Thiện (Cái Mơn, Bến Tre) có thâm niên ở “Chợ hoa trên bến dưới thuyền” hơn chục năm cho biết, hoa Tết lên chợ rất đẹp, bông nhiều và sặc sỡ. Mai trên 5 tuổi được bán với giá 2-3 triệu đồng/gốc, gốc to hơn giá hơn chục triệu đồng. “Có những chậu mai chơi Tết loại mini, thường được biết đến là mai chiết cành. Mỗi chậu giá từ 500 nghìn đến hơn 1 triệu đồng”, ông Thiện cho biết.
Đây cũng là điểm nhấn và cây chủ lực tại “Chợ hoa trên bến dưới thuyền” xưa nay. Năm nay chợ hoa còn có gốc dừa hình trâu rất bắt mắt từ xứ dừa Bến Tre. Gốc dừa non đơm lá xanh mướt mọc trên gáo dừa. Mỗi chậu dừa non mang một dáng dấp, hình hài các chú trâu khác nhau. Ông Lê Hồng Quân (nhà vườn Bến Tre) cho biết những gốc dừa này thấp nhất 600 nghìn đồng, cao nhất là 2 triệu đồng.
Nâng cấp thành lễ hội
Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 8 (TPHCM) cho biết, chợ hoa xuân ở Bình Đông hình thành cách đây cả trăm năm. Dịp gần Tết, thương lái khắp miền Tây lại chở hoa, cây cảnh về bày bán trên thuyền, trên bờ. Du khách, người dân khắp nơi tìm đến mua, chụp hình chung với hoa cây cảnh tạo ra hình ảnh “Chợ hoa trên bến dưới thuyền” rất đẹp và ý nghĩa giữa lòng thành phố.
Theo bà Hoa, được sự đồng ý của lãnh đạo TPHCM, Sở VH-TT TPHCM đã phối hợp với quận 8 tổ chức lễ hội “Chợ hoa trên bến dưới thuyền”. Điểm mới năm nay, 590 ki-ốt kinh doanh của các nhà vườn, tiểu thương sẽ tổ chức bày bán và trang trí thuyền hoa theo mẫu của ban tổ chức. “Ngoài ra, chúng tôi xây dựng 5 tiểu cảnh với hoa tại một số địa điểm trong chợ, tổ chức các hoạt động văn hoá như thuyền ghe đờn ca tài tử, chỉnh trang và trưng bày khu nhà cổ với Phố hoa 100 năm, Tiểu cảnh hoa của thành phố Đà Lạt…”, Phó Chủ tịch UBND quận 8 thông tin.
Ông Nguyễn Hoài Hương, Trưởng phòng tổ chức Lễ và Sự kiện thuộc Sở VH-TT TPHCM nói thêm, với hơn 100 chợ hoa hiện diện khắp TPHCM trong dịp xuân về, việc tôn vinh lễ hội “Chợ hoa trên bến dưới thuyền” như tái hiện hình ảnh đẹp của mùa xuân miền sông nước Nam bộ, nơi nhưng chiếc thuyền chở hoa đi khắp muôn nơi. Qua đó góp phần gìn giữ phát huy nét văn hoá truyền thống Tết cổ truyền của người dân phương Nam. Đồng thời nâng cao chất lượng và tạo thương hiệu cho chợ hoa có bản sắc riêng, độc đáo, đáp ứng nhu cầu mua sắm, thưởng ngoạn của người dân và du khách.
Ngóng khách thời dịch dã
Xuân 2021 là năm đầu tiên “Chợ hoa trên bến dưới thuyền” có tuổi đời trăm năm được chính thức công nhận thành lễ hội của thành phố, chưa kịp vui thì các nhà vườn, thương lái đâm lo khi đối mặt tình cảnh ế ẩm do dịch bệnh COVID-19. Thuyền ghe chở hoa đã cập bến từ vài hôm nay nhưng chưa dám lên chào hàng những hoa kiểng chủ lực, đắt tiền như mai, quất, bonsai chiếu thuỷ và cả lan hồ điệp. Ông Nguyễn Quang Hải (Cái Mơn, Bến Tre) thở dài, hôm nay đã 24 tháng Chạp, “Chợ hoa trên bến dưới thuyền” chỉ lác đác vài người khách đến. Khác với mọi năm, thời điểm này người mua người bán đã khá tất bật kéo dài đến ngày cuối phiên chợ.