Nhiều hộ kinh doanh tạm thời đóng cửa
“Các năm vào thời điểm này việc buôn bán ở chợ gia cầm Hà Vỹ luôn nhộn nhịp suốt ngày đêm. Nhưng năm nay lượng hàng bán ra chậm, chợ ế ẩm, nhiều chủ hộ kinh doanh đã phải tạm thời đóng cửa”, bà Chung chủ hộ kinh doanh ở khu B chợ Hà Vỹ cho biết.
Theo các hộ kinh doanh, năm nay dịp Tết hàng bán chậm, trong khi giá bán cũng chỉ như ngày thường. Hiện giá gia cầm bán tại chợ Hà Vỹ cụ thể: gà tam hoàng, gà công nghiệp từ 50 đến 70 nghìn đồng/kg; gà đồi Yên Thế, gà mía Sơn Tây giá từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg... Ngoài ra, năm nay gà miền Trung và miền Nam được bày bán rất nhiều, với giá bán cũng chỉ từ 50 đến 70 nghìn đồng/kg. Không chỉ những tiểu thương bán gia cầm sống than thở hàng ế ẩm trong thời điểm cận Tết, ngay cả các hộ kinh doanh gà thịt tại xã Lê Lợi (nơi có chợ Hà Vỹ), cũng than phiền: “Chợ năm nay chán lắm, hy vọng vài ngày cuối năm lượng khách sẽ tăng chứ buôn bán như thời điểm này rất ế ẩm”, một tiểu thương chợ Hà Vỹ nói.
Ông Lê Xuân Viết, Trưởng Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ cho biết, hiện chợ có 162 hộ kinh doanh gia cầm với số lượng buôn bán hằng ngày khoảng 60 đến 70 tấn gia cầm, cao điểm có thể lên tới trên 100 tấn gia cầm các loại. Tuy nhiên, vào thời điểm này lượng hàng gia cầm ra vào ở chợ Hà Vỹ giảm rất nhiều: “Gần 1 tháng nay lượng gia cầm ở chợ giảm nhiều, trung bình chỉ từ 40 đến 50 tấn/ngày. Có nhiều nguyên nhân như thời điểm này cuối mùa cưới hỏi hay việc nhiều trường học, khu công nghiệp học sinh, công nhân chuẩn bị về quê ăn Tết, nhưng theo tôi năm nay sức mua của người dân giảm hơn mọi năm”, ông Viết nói.
Ông Viết cho hay, theo kế hoạch vào ngày 15 âm lịch hằng tháng, ban quản lý đóng cửa chợ một ngày để tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng. Tuy nhiên, năm nay do có nhiều hộ kinh doanh đang còn nhiều hàng tồn nên ban quản lý chợ vẫn phải mở cửa để các hộ kinh doanh giải phóng hàng tồn: “Nhu cầu sử dụng gia cầm trong đợt Tết Nguyên đán của người dân chưa có sự đột biến, lượng hàng bán ra chậm, chợ ế ẩm. Hiện nhiều hộ kinh doanh phải tạm thời đóng cửa chờ những ngày tới khi lượng khách mua tăng mới mở cửa hàng trở lại”, ông Viết cho biết.
Gia cầm lậu hết cơ hội tung hoành?
Với hàng chục tấn gia cầm luân chuyển mỗi ngày, nên việc chống buôn lậu và dịch cúm là một thách thức lớn đối với Ban quản lý chợ Hà Vỹ và lực lượng liên ngành ở đây, nhất là vào thời điểm này, các cơ quan chức năng cảnh báo về dịch cúm gia cầm.
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại huyện Thường Tín, trước đây chợ Hà Vỹ luôn là điểm nóng về gia cầm nhập lậu trên địa bàn Thủ đô, phần lớn trong số đó đều được nhập lậu chủ yếu qua đường Móng Cái tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn. Tuy nhiên, với việc đẩy mạnh các giải pháp, hiện tất cả các hộ kinh doanh gà nhập lậu trước đây đã chuyển sang kinh doanh gia cầm trong nước hoặc các mặt hàng khác dưới sự giám sát chặt chẽ của Ban Quản lý chợ Hà Vỹ nhằm không để tái diễn việc kinh doanh trái phép: “Hiện gia cầm ở chợ Hà Vỹ đều được kiểm dịch và đến thời điểm này không tái diễn tình trạng kinh doanh trái phép gia cầm nhập lậu. Các hộ buôn bán tại chợ đều đã ký cam kết không kinh doanh gà nhập lậu, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Huy Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết.
Theo ông Đức, để kiểm soát gia cầm có nguồn gốc rõ ràng đưa vào khu vực chợ Hà Vỹ, UBND huyện Thường Tín đã thành lập lực lượng liên ngành gồm: Thú y, Quản lý thị trường phối hợp với Ban Quản lý chợ và chính quyền địa phương trực 24/24 giờ trước cổng chợ. Định kỳ hằng tháng đều tổ chức vệ sinh môi trường nhằm phòng và ngăn chặn dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn: “Hiện 1 xe hàng từ Đông Anh về đây cũng phải qua nhiều vòng kiểm dịch. Do siết chặt kiểm soát nên gà lậu nhất là gà đầu trọc Trung Quốc về chợ đã không còn, giờ các hộ kinh doanh chỉ buôn bán gà nội trong nước”, ông Đức nói.
Theo Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, thời điểm giáp Tết Nguyên đán tình hình buôn lậu gia cầm sẽ diễn biến phức tạp. Riêng năm 2014, lực lượng liên ngành về chống buôn lậu và gian lận thành phố đã kiểm tra, xử lý 275 vụ về vi phạm vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm, với số tiền phạt hành chính gần 1 tỷ đồng; tịch thu tiêu hủy 3.642,5 kg con gia cầm sống, 736 kg gia cầm đã giết mổ, 800 con chim bồ câu.
Post by Báo Tiền Phong.