Chim cánh cụt sẽ biến mất trong thế kỷ này

Nghiên cứu của nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đang khiến lượng băng Nam Cực giảm, dẫn đến nguy cơ loài chim cánh cụt hoàng đế có thể biến mất trong thế kỷ này.

Viện Hải dương Woods Hole (WHOI) thực hiện nghiên cứu trên một số chim cánh cụt hoàng đế ở Terre Adelie, ở Nam Cực.

Sau khi sử dụng mô phỏng máy tính về khí hậu và mô hình thống kê nhân khẩu học của chim cánh cụt, các nhà khoa học kết luận số lượng cặp chim cánh cụt sinh sản giảm khoảng 80% năm 2010, Xinhua cho biết.

Nhóm nghiên cứu tìm hiểu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng băng tan ảnh hưởng tới đời sống của chim cánh cụt hoàng đế, nhất là ảnh hưởng vào thời điểm quan trọng như đẻ trứng, nuôi con.

Trưởng nhóm nghiên cứu - Stephanie Jenouvrier nói: "Chúng tôi dự đoán chỉ còn khoảng 500 đến 600 cặp chim cánh cụt hoàng đế vào năm 2100. Hiện loài còn còn khoảng 3.000 cặp".

Stephanie Jenouvrier cho biết thêm, một loài chim cánh cụt khác là chim cánh cụt đảo Dion đã biến mất do sự suy giảm băng ở Nam Cực.

Chim cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsten) là loại chim lớn nhất và nặng nhất trong số tất cả những loài chim cánh cụt sống và đặc hữu ở Nam Cực. Con trống và con mái có bộ lông và kích thước tương tự nhau, chiều cao đạt tới 122 cm và cân nặng từ 22 đến 45 kg. Thức ăn thường ngày của chim cánh cụt hoàng đế là cá, đôi khi chúng cũng ăn động vật giáp xác, các loài nhuyễn thể, động vật thân mềm và mực.

Sự tồn tại của biển băng là yếu tố gây tổn thương với chim cánh cụt hoàng đế. Nếu băng bị vỡ và biến mất trong mùa sinh sản, chúng sẽ không thể sinh.

Theo Thu Hương
VnExpress

Theo Đăng lại