Theo Miami Herald, các chuyên gia sinh vật học thuộc Viện Bảo tồn Biển và Bờ biển Argonauta đã mổ xác con chim cánh cụt xấu số nói trên, và phát hiện một chiếc khẩu trang màu đen còn nguyên trong dạ dày.
Được biết, chim cánh cụt Magellanic thường đi rất xa để tìm kiếm thức ăn trên khắp Nam Mỹ, bao gồm cả bờ biển Brazil.
Đây là hậu quả của tình trạng ô nhiễm đại dương liên quan đến đại dịch COVID-19, xảy ra sau khi các cơ quan y tế bắt đầu kêu gọi người dân tự bảo vệ bản thân bằng các thiết bị bảo hộ.
Con chim cánh cụt xấu số. Ảnh: Yahoo News
Chiếc khẩu trang trong dạ dày của con chim cánh cụt. Ảnh: Yahoo News
Rất đông người đã đến nghỉ ngơi tại các bãi biển ở Brazil trong ngày lễ Lao động đầu tháng Chín. Nhiều người đã vứt trên cát những chiếc khẩu trang và găng tay dùng một lần.
Kết quả là, trong khoảng thời gian từ ngày 16/4 đến ngày 13/9, các nhà sinh vật học Brazil đã tìm thấy 113 chiếc khẩu trang bị vứt chỏng chơ trên các bãi biển ở São Paulo.
Hugo Gallo Neto, nhà hải dương học và Chủ tịch Viện Argonauta, cho biết: “Trường hợp chú cánh cụt nói trên là bằng chứng rõ ràng rằng cho thấy các loại chất thải y tế và sự vô trách nhiệm của con người có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến động vật biển.”
Các quan chức ở châu Âu, Trung Quốc và Mỹ cũng đã báo cáo tình trạng ô nhiễm liên quan đến COVID-19. Laurent Lombard - một thợ lặn đồng thời là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Operation Clean Sea ở Pháp đã tìm thấy những chai nước rửa tay, khẩu trang và các vật dụng bảo hộ khác bị thả trôi dưới đại dương.
Laurent Lombard nói với CNN hồi tháng 6, rằng “có thể sẽ có nhiều khẩu trang hơn sứa” ở biển Địa Trung Hải.