Chiêu trò thăm dò trong bầu cử Tổng thống Mỹ

Càng gần đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, người ta càng tung ra nhiều cuộc thăm dò, từ các báo lớn, hãng truyền hình đến những tổ chức chuyên nghiệp “dò” như Viện Gallup. Tuy nhiên, càng xem kết quả thăm dò càng thấy rối tung rối mù…
Ông Obama và ứng viên Mitt Romney.

Mê hồn trận của kết quả thăm dò!

Với sự bùng nổ của xa lộ thông tin, vô số website chuyên về thăm dò bầu cử Tổng thống Mỹ đang xuất hiện, đó là chưa kể những trang thăm dò riêng của các tờ báo và hãng thông tấn. Thống kê sơ kết quả ngày 12/10/2012 trên realclearpolitics.com/polls - nơi tổng hợp các kết quả thăm dò - cho thấy như sau:

Theo Monmouth/SurveyUSA/Braun, từ ngày 1 đến 10/10, Barack Obama chiếm 46% trong khi ứng cử viên Mitt Romney chiếm 47%; Rasmussen Tracking (ngày 8 đến 10/10) Obama 48% và Romney 47%; Fox News (ngày 7 đến 9/10) Obama 45% và Romney 46%...

Tất cả cho thấy cuộc đua tổng thống năm nay cũng chứa đựng nhiều yếu tố kịch tính và có thể gây bất ngờ vào giờ chót, chứ không phải là cuộc chiến không cân sức nghiêng hẳn về tay đấm kinh nghiệm Obama so với đấu thủ yếu thế hơn Romney như dư luận vẫn nghĩ… Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, độ tin cậy các kết quả thăm dò này như thế nào và nó nói lên điều gì trong một chiến dịch tranh cử chính trị quan trọng nhất nước Mỹ như cuộc chạy đua vào Nhà Trắng?

Trong thực tế, kết quả thăm dò đôi khi không phản ánh đúng thực trạng vấn đề. Một cách tổng quát, thăm dò cho thấy thang biểu đánh giá khá bấp bênh và đôi khi hoàn toàn không giá trị. Trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều kết quả thăm dò đều sai với thực tế. Năm 2000, ứng cử viên George W. Bush thắng lá phiếu đại cử tri nhưng ứng cử viên Al Gore thắng lá phiếu phổ thông với tỷ lệ 48,4% so với 47,9%.

Không cuộc thăm dò nào trước ngày bầu cử cho thấy tương tự hoặc chí ít cũng gần đúng. Năm 1948, gần như tất cả kết quả thăm dò đều trật lất khi dự báo Thomas Dewey sẽ hạ gục ứng cử viên Harry Truman bằng “chiến thắng ngoạn mục” (và điều ngược lại đã xảy ra!).

Hai ứng viên Romney và Obama tại cuộc tranh luận gần nhất.

Cần biết, hầu hết cuộc thăm dò ngày nay dựa vào hai con số: số cử tri (đã) đăng ký và số ý kiến cho biết họ có khả năng đi bầu. Số cử tri đăng ký thường ổn định nhưng chính con số cử tri lờ mờ chưa biết đi bầu hay không hoặc bỏ phiếu cho ai mới chính là con số đem lại kết quả chung cuộc. Tuy nhiên, ở ngay cả lá phiếu đại cử tri (vốn gần như cố định), kết quả thăm dò cũng không thống nhất (ứng cử viên cần 270 lá phiếu đại cử tri mới chiến thắng).

Trong mùa bầu cử năm nay, theo thăm dò của New York Times (kết quả ngày 12/10), Obama có thể giành được 237 lá phiếu đại cử tri trong khi Mitt Romney có khả năng lấy được 191 phiếu. Và theo kết quả Gallup ngày 10/10/2012, tỷ lệ cử tri đã đăng ký và gần như chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho Obama là 48% (so với 46% dành cho Romney), trong khi tỷ lệ cử tri còn dùng dằng chưa quyết sẽ có khả năng chọn Romney lại chiếm 48% so với 47% cho Obama!

Yếu tố phức tạp của các cuộc thăm dò khiến kết quả trở nên không nhất quán. Cần biết, các cuộc thăm dò bầu cử của giới truyền thông Mỹ không đơn giản là phát phiếu thăm dò cho một nhóm đối tượng ngẫu nhiên rồi tổng hợp lại kết quả. Trong nhiều cuộc thăm dò, người ta tỉ mỉ đến mức tổ chức các cuộc dò hỏi từng nhóm nhỏ theo phân loại, chẳng hạn nhóm những người tốt nghiệp đại học, nhóm da màu, nhóm cộng đồng di cư, nhóm cư dân phía đông hoặc phía tây, nhóm Tin lành, nhóm Công giáo, nhóm có gia đình, nhóm có thu nhập dưới 30.000 USD/năm…

Đó là chưa kể các cuộc thăm dò ở từng bang. Ngoài ra còn phải kể đến số lượng thăm dò. Hầu hết tổ chức thăm dò phải thu thập ý kiến của ít nhất 1.000 người mới có thể được xem là thực hiện được một cuộc thăm dò quốc gia. Do vậy, tỷ lệ sai số lệ thuộc vào số người thăm dò. Số người thăm dò càng nhiều thì sai số càng thấp.

Chiến thuật lợi dụng kết quả thăm dò

Lịch sử thăm dò ý kiến cử tri trước ngày bầu cử hình thành từ khá lâu trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ và nó cũng... sai ngay từ ngày đầu! Một trong những ví dụ điển hình là cuộc trưng cầu ý kiến cử tri được tờ The Harrisburg Pennsylvanian thực hiện năm 1824 cho thấy, ứng cử viên Andrew Jackson dẫn trước John Quincy Adams với tỷ lệ chênh lệch 335/169 phiếu bầu.

Những cuộc thăm dò cho ra kết quả trái ngược nhau.

Kết quả, John Quincy Adams mới là người trở thành tổng thống thứ sáu của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ! Năm 1916, tuần báo Literary Digest (một trong những tờ báo uy tín nhất lịch sử báo chí Mỹ thế kỷ 20) tổ chức cuộc thăm dò quy mô toàn quốc bằng cách gửi hàng triệu phiếu thăm dò đến cử tri xin ý kiến rồi tổng hợp kết quả. Lần đó, Literary Digest dự báo chính xác với Woodrow Wilson thắng cử; và họ tiếp tục dự báo đúng với 4 tổng thống kế tiếp.

Tuy nhiên, năm 1932, Literary Digest bắt đầu nếm mùi “bị hố” khi công bố (một tuần trước ngày bầu cử) kết quả thăm dò với ứng cử viên Alf Landon vượt xa Franklin D. Roosevelt. Kết quả, như đã biết, Franklin D. Roosevelt không chỉ đắc cử tổng thống mà còn trở thành người duy nhất lịch sử Mỹ ngồi ghế tổng thống hơn hai nhiệm kỳ (từ 1933-1945).

Liệu có khả năng một số cuộc thăm dò thiên vị và dùng kết quả thăm dò để lôi kéo thành phần còn phân vân chưa biết bỏ phiếu cho ai? Trong mùa bầu cử 2004, Đảng Dân chủ từng cáo buộc Gallup có thiên hướng ngả theo Cộng hòa và cho rằng, Gallup thù vặt khi bị tổ chức chính trị MoveOn (ủng hộ Dân chủ) tấn công họ. Trong khi đó, Gallup cho biết, tất cả đối tượng thăm dò đều được chọn ngẫu nhiên và họ luôn gọi đến số điện thoại bất kỳ, không biết chút gì về quan điểm chính trị của cá nhân đối tượng.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ Gallup không chỉ gọi điện và đơn giản hỏi đối tượng bầu cho ai rồi thôi mà họ còn phỏng vấn, khiến tâm lý đối tượng có thể bị lung lay.

“Không có câu hỏi nào được đặt ra mà không ảnh hưởng tương lai lá phiếu” - theo Michael Dimock, Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Pew Research. Gallup thường hỏi đại loại: “Bạn nghĩ như thế nào về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, nhiều, vừa hay ít”; “Bạn có biết những người sống trong khu phố bỏ phiếu cho ai không?”; “Trong cuộc bầu cử tổng thống trước, bạn bỏ phiếu cho ai vậy?”… Tuy nhiên, Tổng biên tập Gallup - Frank Newport - vẫn cho rằng, kết quả thăm dò dù thế nào cũng giống dự báo kết quả tỷ số trận bóng. 1/3 kết quả dự báo đều cung cấp điều gì đó, rằng đội nào nhỉnh hơn và đội nào xứng đáng chiến thắng hơn.

Và thật ra thăm dò bầu cử cũng không khác mấy với dự báo tỷ số bóng đá, khi tình hình có thể thay đổi, đội tưởng thua có thể thắng và ngược lại.

Cần nhấn mạnh, việc cung cấp thông tin về ý kiến cử tri từ các cuộc thăm dò có thể ảnh hưởng tâm lý và quyết định việc bỏ phiếu của cử tri vào phút chót. Thuật từ chính trị Mỹ gọi đó là “hiệu ứng xe chở ban nhạc/xe gánh xiếc rong” (bandwagon effect), khi cử tri dồn phiếu cho ứng cử viên có tỷ lệ thăm dò nhỉnh hơn, tương tự hiện tượng dân chúng bu đen bu đỏ mỗi khi có xe ban nhạc hoặc xe gánh xiếc đến địa phương mình. Cụm từ “nhảy lên xe ban nhạc” lần đầu tiên được sử dụng trong văn hóa chính trị Mỹ vào năm 1848 khi Dan Rice - một anh hề xiếc chuyên nghiệp - dùng xe hát rong của mình để giúp ứng cử viên Zachary Taylor trong chiến dịch tranh cử như một trong những thủ thuật thu hút chú ý cử tri (nhờ sự náo nhộn và không khí vui vẻ).

“Gánh xiếc Zachary Taylor” thành công vang dội (ông trở thành tổng thống thứ 12) đã trở thành mẫu mực của một hình thức phổ biến trong các chiến dịch vận động lôi kéo cử tri ở các kỳ bầu cử sau đó. Đến chiến dịch tranh cử của William Jennings Bryan năm 1900, các xe vận động tranh cử (như mô hình xe ban nhạc) đã trở thành hình ảnh quen thuộc với cử tri Mỹ và “hiệu ứng gánh xiếc rong” cũng bắt đầu được nghiên cứu như một lý thuyết tranh cử tổng thống.

Năm 1992, 2 giáo sư Vicki G. Morwitz và Carol Pluzinski từng thực hiện một khảo sát cho thấy ảnh hưởng của “hiệu ứng gánh xiếc rong” không phải không đáng kể. Trong nhóm sinh viên tham gia cuộc khảo sát, một số người được cung cấp kết quả loạt thăm dò cho thấy Bill Clinton nhỉnh hơn George H. Bush (Bush bố). Cuối cùng, những người này - từng cho biết họ sẽ bầu cho Bush - lại bỏ phiếu cho Clinton sau khi liên tục xem các kết quả thăm dò trên!

Ngoài ra, tỷ lệ thăm dò quan điểm chính trị cũng hiếm khi chính xác. Năm 1992, có 34% cử tri cho biết họ theo Dân chủ, 34% theo Cộng hòa và 33% có khuynh hướng độc lập (mùa bầu cử năm đó, Bill Clinton - Dân chủ đắc cử). Năm 2000, có 39% Dân chủ, 35% Cộng hòa và 26% độc lập (George W. Bush - Cộng hòa đắc cử!). Các nhà khoa học chính trị cho rằng, cán cân có khi nghiêng về bên này rồi chuyển sang bên kia trong một thời gian thật ra không phải do sự thay đổi quan niệm trong công chúng mà do kết quả thăm dò không chính xác.

Đến nay, nhiều cây bút bình luận Mỹ bắt đầu chỉ trích mạnh ý tưởng tổ chức thăm dò - bởi, thứ nhất, do cái sự lộn xộn của nó; thứ hai, sự bát nháo trong thăm dò càng làm bát nháo quan điểm chính trị cử tri; và thứ ba, cũng không loại trừ khả năng người ta dùng công cụ thăm dò để lôi kéo cử tri (“hiệu ứng gánh xiếc rong”). Nghiên cứu cho thấy, ngay cả khi một cuộc thăm dò nếu được thực hiện nhiều lần thì kết quả đã khác nhau rồi! Đơn giản vì ý kiến thường lệ thuộc vào tâm lý mà tâm lý lại hay thay đổi.

Năm nay, theo tác giả Nate Silver trong bài viết trên New York Times (24/9/2012), có khoảng 7% cử tri cho biết họ chưa quyết định bỏ phiếu cho ai - một tỷ lệ bằng với mùa bầu cử 2004. Tuy nhiên, con số ít ỏi này có khi lại tạo nên lịch sử.

Theo Petrotimes

Theo Đăng lại