Chiến thuật 'đánh vây bọc' đang được phát triển thế nào trong quân đội Nga?

Các đơn vị súng cơ giới và lính dù Nga thường xuyên sử dụng chiến thuật “đánh vây bọc” trong các cuộc tập trận và thực hiện đa nhiệm vụ khác.

Tập trận đường không

Theo Bộ Quốc phòng Nga, mới đây các đơn vị từ Quân khu phía Nam nước Nga và Hải đội Caspi đã thực hành chiến thuật “đánh vây bọc” trong các cuộc tập trận. Hơn 30 trực thăng tấn công vận tải Mi-8AMTSh tham gia diễn tập.

Theo đó, cách đánh này được thực hiện trong các cuộc diễn tập chiến thuật cấp đại đội. Các bãi tập nằm trong khu vực từ Volgograd, Stavropol, Adygea, Chechnya, Dagestan, Karachay-Cherkessia, đến Bắc Ossetia, Ingushetia, Nam Ossetia và Abkhazia.

Cuộc đổ bộ từ trực thăng của đơn vị thuộc Các Lực lượng vũ trang Nga. Ảnh: RIA Novosti.

Trong các cuộc tập trận, chiến thuật “vây bọc” được sử dụng, bao gồm việc chuyển các đơn vị súng trường cơ giới bằng máy bay trực thăng, nhằm tiêu diệt và tước quyền cơ động của kẻ thù, đảm bảo các hành động tiếp theo của nhóm tấn công chính. Đồng thời, lực lượng hỗ trợ chiến đấu gồm các trực thăng tấn công Mi-35, Mi-28N, Ka-52 Alligator.

Trong quá trình huấn luyện, việc di chuyển của quân nhân trên chiến trường, hoạt động ngụy trang, trang bị kỹ thuật và khắc phục các bãi mìn rất được chú trọng.

Sự phát triển của chiến thuật “vây bọc” đã được lên kế hoạch trước đó. Tầm quan trọng của việc sử dụng nó trong giai đoạn huấn luyện đầu năm 2022 đã được chỉ huy Quân khu phía Nam, Tướng Alexander Dvornikov báo cáo.

“Các chỉ huy đơn vị trau dồi thực hành các phương pháp tác chiến hiệu quả, bao gồm cách đánh vây bọc, khi sử dụng các nhóm tấn công đường không chiến thuật để chiếm và giữ các trận tuyến và khu vực có lợi”, ông Dvornikov cho biết.

Điểm chính của chiến thuật “vây bọc” là việc điều quân ra sau phòng tuyến của đối phương tấn công nhằm làm suy giảm sức chiến đấu của chúng. Ở Nga, chiến thuật này này bắt được áp dụng trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Gần đây, nó đã được phát triển bằng cách trang bị cho quân đội các trực thăng mới và vũ khí hiện đại. Do đó, chiến thuật này có thể được thực hiện không chỉ lính dù, mà còn cả đơn vị súng trường cơ giới.

Cải tiến chiến thuật

Trong Từ điển bách khoa điện tử của Bộ Quốc phòng Nga, chiến thuật “vây bọc” (tiếng Nga: Вертикальный охват, tiếng Anh: Vertical envelopment) là một trong những hình thức “sử dụng lực lượng, phương tiện nhằm chiếm vị trí có lợi trong quan hệ với đối phương”.

Theo các chuyên gia, phương pháp chủ yếu của chiến thuật này là sử dụng lực lượng trên không (không vận).

“Trên thực tế, đánh “vây bọc” không gì khác hơn là một cuộc tấn công đường không chiến thuật, việc sử dụng thành công nó cho phép hạ gục lực lượng đối phương và đảm bảo các hành động tiếp theo của nhóm tấn công chính”, chuyên gia quân sự Alexander Khrolenko giải thích.

Ông Dmitry Litovkin của tờ Independent Military Review cho rằng, chiến thuật “vây bọc” cho phép nhanh chóng tạo ra các nhóm tấn công cơ động phía sau chiến tuyến của kẻ thù, góp phần vào hoạt động tiến công của các lực lượng tấn công chính.

“Chiến thuật này giống như các loại hoạt động đổ bộ khác, cho phép các đơn vị thâm nhập vào phía sau phòng tuyến của kẻ thù. Việc điều chuyển các đơn vị ra hậu phương địch, giúp đẩy nhanh việc đánh bại kẻ thù, hoặc nếu cần thiết sẽ bao vây, để phối hợp với quân chủ lực”, chuyên gia nhấn mạnh.

Liên Xô được coi là quốc gia tiên phong trong việc phát triển khái niệm đánh “vây bọc”, vốn rất chú trọng đến khả năng tác chiến của Lực lượng Dù. Cách đánh này đã được sử dụng trong chiến dịch đổ bộ đường không Vyazemsky năm 1942.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến thuật “vây bọc” đã được áp dụng bởi nhiều quốc gia phương Tây, với thuật ngữ sử dụng chung là “Vertical Envelopment”.

Trong Chiến tranh Lạnh, cả máy bay vận tải và máy bay trực thăng đều được sử dụng để chuyển quân với mục đích “vây bọc”. Để sử dụng hiệu quả hơn chiến thuật này, giới lãnh đạo quân sự của Liên Xô đã cung cấp các thiết bị hiện đại cho Lực lượng Dù.

Vì vậy, để đổ bộ đường không cho các khí tài, xe bọc thép và nhiều hệ thống tên lửa phóng, hệ thống dù đa mái vòm MKS-5-128 và PRSM-915 đã được tạo ra.

Ngày nay chiến thuật “vây bọc” đang được cải tiến trên toàn thế giới. Đặc biệt, theo các tài liệu của Viện nghiên cứu Mỹ RAND, các dự án đang thực hiện ở nước này nhằm tăng khả năng vận chuyển của lực lượng đổ bộ phục vụ cho chiến thuật này.

Trong tác chiến hiện đại, không phải lúc nào cũng cần sử dụng vũ khí hạng nặng. Theo đó, khi hạ cánh từ trực thăng, các đơn vị tham gia chiến thuật “vây bọc” có thể sử dụng vũ khí có thể đeo, như: hệ thống tên lửa cầm tay, súng phóng lựu, máy bay không người lái, súng cối, súng máy, thiết bị trinh sát và thiết bị tác chiến điện tử cỡ nhỏ.

Thực hành chiến thuật “vây bọc” tại cuộc tập trận “Lá chắn Liên minh”. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Thực hành chiến thuật “vây bọc” tại cuộc tập trận “Lá chắn Liên minh”. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Thực hành chiến thuật “vây bọc” tại cuộc tập trận “Lá chắn Liên minh”. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Áp dụng đa nhiệm vụ

Hiện các đơn vị súng cơ giới và lính dù của Nga sử dụng rộng rãi các phương tiện hạng nhẹ, để vận chuyển người, vũ khí và đạn dược tham gia đánh “vây bọc”.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong những năm gần đây, chiến thuật “đánh vây bọc” đã được áp dụng trong một số cuộc tập trận, bao gồm cả với quân đội của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Trong các cuộc tập trận, quân đội Nga thường áp dụng chiến thuật “đánh vây bọc”, bằng cách sử dụng một nhóm trực thăng khá lớn. Theo kịch bản phổ biến nhất, các máy bay chiến đấu sẽ di chuyển cùng và hỗ trợ hỏa lực cho hơn 30 trực thăng vận tải và chiến đấu Mi-8AMTSh, cùng lực lượng lính dù đổ bộ đường không.

Với công nghệ máy bay trực thăng mới và các vũ khí hiện đại khác, các đơn vị tham gia chiến thuật “vây bọc” bắt đầu hoạt động hiệu quả hơn. Chiến thuật này trong thực tế có thể được sử dụng để giải phóng các khu định cư, phản công đòn đổ bộ của đối phương, và sử dụng cho mục đích chống khủng bố.

Theo các chuyên gia, chiến thuật “vây bọc” có thể được sử dụng cho nhiều loại nhiệm vụ và trên mọi loại địa hình. Sự phổ biến của chiến thuật này trong quân đội Nga xuất phát từ những thách thức và mối đe dọa hiện tại đối với an ninh quốc gia Liên bang Nga.

Link gốc: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/chien-thuat-danh-vay-boc-dang-duoc-phat-trien-the-nao-trong-quan-doi-nga-686010

Theo Quân đội nhân dân