Đền vua Đinh Tiên Hoàng nằm trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Đền được xây dựng từ thế kỷ 17, trên vùng đất trung tâm của kinh thành Hoa Lư xưa, ngày nay đền nằm trong vùng lõi của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Nơi đây ngoài thờ vua Đinh còn thờ cha mẹ, các con trai ông và nhiều tướng sỹ nhà Đinh.
Trong khuôn viên ngôi đền đặc biệt hàng trăm năm này hiện đang lưu giữ hai bảo vật vô cùng giá trị. Đó chính là cặp long sàng (sập đá) với những họa tiết hoa văn độc đáo có một không hai ở Việt Nam. Cả hai chiếc long sàng này đều được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017. Trong ảnh là long sàng trước nghi môn ngoại đền vua Đinh Tiên Hoàng.
Long sàng trước nghi môn ngoại là một tảng đá nguyên khối, chạm khắc thành sập đá hình hộp chữ nhật. Mặt sập có chiều dài 187cm, rộng 127cm; chân đế hơi choãi ra có chiều rộng 134cm, dài 196cm. Trải qua hàng trăm năm đến nay sập đá vẫn tồn tại và vững chãi với thời gian.
Trên mặt sập đá chạm khắc nổi hình con rồng đang cuộn mình với thế uy quyền của bậc đế vương. Cũng trên mặt sập đá, một hình sư tử được khắc sắc nét giữa hai chi sau của con rồng. Đầu rồng to, miệng đang há ngậm viên ngọc, răng và sừng sắc nhọn... Đặc biệt, bốn chi của rồng được nhân cách hóa, theo đó, thay vào chi chim ưng với những móng vuốt sắc nhọn thì chi rồng này là 4 bàn tay người phụ nữ mềm mại, tay thì cầm sừng và bờm, tay thì vít râu rồng...
Bốn 4 của long sàng đầy những họa tiết hoa văn tinh xảo. Đáng chú ý nhất là bốn chân sập với những hình quỷ dạ xoa dữ tợn. Từng đường nét của những hình họa này cũng được trạm khắc rất tỉ mỉ để làm nổi bật lên sự uy quyền của hình rồng trên mặt, bên cạnh đó nói lên sự huyền bí của chốn linh thiêng.
Có từ thế kỷ 17, trải qua hàng trăm năm nằm dưới mưa nắng, chiến tranh... phiến đá chạm khắc long sàng có phần bị ăn mòn, nhiều họa tiết hoa văn bị mờ đi, một góc sập bị vỡ bung theo thớ đá. Dù vậy, giá trị về lịch sử văn hóa của long sàng ở nghi môn ngoại đền vua Đinh vẫn là tác phẩm điêu khắc độc nhất Việt Nam.
Cũng tại đền vua Đinh Tiên Hoàng, ngay trước bái đường có thêm một chiếc long sàng với giá trị lịch sử, văn hóa cũng không kém long sàng trước nghi môn ngoại. Long sàng này có tuổi đời ít hơn nhưng cũng được đánh giá là tuyệt tác mỹ thuật có một không hai ở Việt Nam và cũng đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Trên mặt long sàng trước bái đường cũng trạm khắc nổi hình rồng cuộn, xung quanh đầy những họa tiết hoa văn độc đáo. Khắc với long sàng trước nghi môn ngoại, long sàng này được làm bằng nhiều phiến đá xanh khác nhau. Theo đó, mặt long sàng là khối đá nguyên khối có hình hộp chữ nhật dài 188cm, rộng 138cm và dày 18cm.
Các nhà sử học đánh giá, long sàng trước bái đường cùng với long sàng nghi môn ngoại là kiệt tác điêu khắc của người Việt.
Con rồng được khắc trên long sàn trước bái đường cũng đang cuộn tròn mình trên mặt sâp. Các chi của rồng cũng được cách điệu nhân cách hóa rất lạ lẫm và thần bí. Theo đó, 3 chân rồng được cách điệu thành bàn tay con người, mỗi bàn tay thực hiện một nhiệm vụ, không tay nào giống tay nào, tay thì vít chặt sừng rồng, tay nắm chặt bờm...
Đầu rồng được chạm sắc nét cũng đang ngậm viên ngọc, từng đừng nét như vẩy, vi, chi, râu, sừng rồng được tạo hình nổi rất rõ. Mỗi khi trời mưa, nước đọng lại trên mặt sập, nhìn hình rồng như đang cuộn tròn, vùng vẫy giữa mây trời bao la rộng lớn trên những tầng mây cao.
Xung quanh sập cũng được thiết kế trạm đầy hoa văn với đủ các họa tiết từ cỏ cây hoa lá, chim muôn thú... điều này nói lên sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, giữa đấng quyền uy tối cao với dân chúng. Đây chính là sự bình dân hóa thể hiện sự đoàn kết trên dưới một lòng giữa trời đất, vua với dân...
Nhiều nơi trên sập đá thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân Việt cách đây hàng trăm năm. Cho dù thời gian có khắc nghiệt đến đâu, những nét trạm trổ vẫn giữ nguyên vẹn giá trị, càng lâu, nét tinh hoa càng hiện rõ.
Ngọ Môn - nơi vào đền vua Đinh Tiên Hoàng, nơi lưu giữ hai bảo vật quốc gia độc đáo của Việt Nam.