Đây là lần đầu tiên, đôi tay sắp đặt nổi tiếng Mark Cooper đem tác phẩm của mình đến với thành phố sông Hàn.
Gốm sứ, gỗ, giấy…bày biện tràn lan dưới tầng 1 bảo tàng. Mark Cooper nói những chất liệu giản đơn ấy sẽ làm nên triển lãm mà ông rất tâm huyết lần này. Ông chia sẻ một số tác phẩm từng được giới thiệu ở Hà Nội sẽ có mặt ở đây, còn lại không thể gọi tên, mô tả chi tiết những tác phẩm mà ông đang thực hiện. “Ý tưởng sắp đặt tùy thuộc vào không gian, bối cảnh, tình cảm và nguồn cảm hứng của tác giả. Đến Đà Nẵng, tôi cảm nhận được sự yên bình của thành phố, sự “ngọt ngào” của con người. Điều đó chắc chắn sẽ được gửi gắm trong triển lãm”, ông bật mí.
Mark Cooper đam mê sắp đặt từ khi còn là sinh viên mỹ thuật. Cách đây 10 năm, thế giới biết đến ông với những tác phẩm sắp đặt tại điểm quy mô lớn, trong đó có “Yu yu Boston Blue” nổi tiếng được trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật Boston. Ông chia sẻ mỗi họa sĩ có một phong cách, tâm hồn riêng, nhưng đôi lúc, một mình không làm nên cảm xúc và thành công cho triển lãm. “Ban đầu chúng tôi dự định mỗi người sẽ triển lãm một góc. Nhưng chủ đề “Chiếc cầu” khiến chúng tôi ngồi lại với nhau và thống nhất phải thể hiện được sự kết nối, tương tác. Tác phẩm của tôi sẽ bố trí xen kẽ với tranh của họa sĩ Thuấn - những bức tranh trừu tượng tuyệt vời đến khủng khiếp”, ông trầm trồ.
Dẫn chúng tôi xem một góc triển lãm, trên tường treo những xấp giấy đã vẽ như những cánh hoa, phía dưới là tranh của họa sĩ Thuấn và những mảnh gốm nung đầy họa tiết. Mark Cooper cười: “Trông mỗi thứ một đường rời rạc nhưng thật ra tổng thể vẫn có sự hài hòa, đồng điệu. Rất khó hình dung đúng không? Đó chính là sự cuốn hút của nghệ thuật sắp đặt. Người thưởng lãm có thể cảm nhận theo con mắt thẩm mỹ và tư duy riêng mình, không có sự bó buộc nào cả”. Họa sĩ Thuấn góp thêm: “Có tất cả 35 tác phẩm trưng bày, nhưng có thể xem ít hoặc nhiều hơn, cũng có thể chỉ có một tác phẩm duy nhất. Bởi tất cả hòa quyện, hỗ trợ nhau”.
Trước đây, họa sỹ Thuấn chưa từng gặp Mark Cooper, chỉ biết qua báo chí. Khi Bảo tàng Mỹ thuật mời triển lãm chung, người họa sĩ Việt kiều Pháp gật đầu bởi đây là cơ hội nâng trình độ hiểu biết của họa sĩ cũng như giới thưởng lãm về nghệ thuật sắp đặt. Cả ông lẫn Mark Cooper đều nhìn nhận rằng, chiếc cầu trong triển lãm lần này gắn kết tác phẩm lại với nhau, như vốn dĩ nghệ thuật không có biên giới. Chẳng những vậy còn bắc nhịp cầu tư tưởng, cho mối quan hệ của hai nước Việt - Mỹ ngày một khăng khít hơn sau 24 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Chiếc cầu ấy giúp hai nước Việt - Mỹ đi trên con đường hướng đến tương lai tươi đẹp hơn.