Chi phí logistics 'đè' nông sản ĐBSCL

TP - Chi phí logistics hiện chiếm cao nhất và cao một cách bất hợp lý, lên đến 30% giá thành sản phẩm, khiến nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc… Thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Đòn bẩy cho logistics nông sản Đồng bằng sông Cửu Long” ngày 9/4, tại Hậu Giang.
Hạ tầng logistics thiếu và yếu kìm hãm nông sản ĐBSCL

Giảm sức mạnh cạnh tranh

ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn. Tuy nhiên, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Trong khi tình trạng một số cảng trọng điểm tại miền Đông thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng…

Bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) dẫn chứng, ở Thái Lan nông sản cạnh tranh hơn nước ta vì một trong những “trợ lực” là có sự hỗ trợ chi phí logistics từ nhà nước. Còn ở Việt Nam, chi phí cao, thiếu bảo quản… “Đi thu mua trái cây của nông dân mới thấy sự khó khăn, từ đường sá, vận chuyển…, nhiều khi muốn giúp họ nhưng doanh nghiệp không đủ khả năng” - bà Vy nói.

Thực trạng nông sản khu vực ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí logistics. Chi phí logistics hiện chiếm cao nhất và cao một cách bất hợp lý, cụ thể lên đến 30% giá thành sản phẩm trong khi của Thái Lan hơn 12% và của thế giới hơn 14%, điều này khiến cho nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh.

Cần lắm sự chung tay các bộ, ngành, địa phương

Ông Phạm Tiến Hoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, Tổng Giám đốc Hạnh Nguyên Logistics cho biết, người nông dân trồng khóm (dứa) mua đầu vào mỗi thứ một nơi, khi thu hoạch thì tập kết, đem tới vựa, từ vựa phân loại rồi lên xe chở đến công ty/nhà máy, rồi chiếu xạ, mới đến cảng, lưu hoặc xuất đi…, qua nhiều khâu rất tốn kém. “Trọng lượng nặng nhưng giá trị lại thấp, 1 tấn khóm có giá 1.000 USD trong khi 1 tấn điện thoại Iphone có giá 2 triệu USD” - ông Hoài ví dụ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, hoạt động logistics phụ thuộc rất lớn vào cơ sở hạ tầng, nếu không có cơ sở hạ tầng thì logictics không thể hoạt động được. Trong khi yếu tố này ở nước ta, đặc biệt là ở những vùng sản xuất nguyên liệu, vùng nông thôn còn rất thiếu và yếu, sản phẩm thu hoạch xong không được xử lý kịp thời. Chi phí logisctics rất cao trong khi doanh nghiệp không đủ khả năng để đầu tư nhà máy, kho bãi…

GS Võ Tòng Xuân nhắc lại đặc tính “cố hữu” trong sản xuất nông nghiệp lâu nay là mạnh ai nấy làm, đất đai thì của ông bà để lại nên muốn trồng cây gì thì trồng, không ai cản được. “Chúng ta có rất nhiều hợp tác xã, nhưng phần lớn là hình thức, nhiều người nhiều ý, mạnh ai nấy làm. Cả nông dân và doanh nghiệp đều cần đến “cò”. Rất cần thiết phải tập hợp nông dân lại, nhưng không dễ làm, nhà nước phải nhúng tay vào”, GS Xuân nói.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trong bối cảnh của nền kinh tế vùng ĐBSCL, việc tập trung tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện thông thương hàng hóa nông sản là vấn đề cấp bách, để giúp kinh tế vùng phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có.

Trong đó, cần sớm có các phương án, chính sách và mô hình hiệu quả, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam từ sản xuất - thu hoạch cho đến thông quan - xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản, tạo đầu ra bền vững cho nông dân.

“Để đạt đến kỳ vọng này, cần lắm sự chung tay của tất cả các bộ, ngành, địa phương; trong đó, phải đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, tạo cú hích cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics phát triển, đặc biệt là logistics nông sản”, ông Thanh nói.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhắc lại điểm yếu “cốt tử”của ĐBSCL là hạ tầng giao thông. Là vùng trọng điểm nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia và xuất khẩu nhưng đầu tư cho giao thông chưa tương xứng, đây vẫn là vùng “trũng” của cả nước. Theo ông Châu, câu chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi, nhưng vẫn phải nói”.