Từ màn "check var" sao kê đến lối sống phông bạt
Hồi giữa tháng 9 vừa qua, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam công bố sao kê hơn 12.000 trang ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 (bão YAGI) từ ngày 1/9 đến 10/9. Tấm lòng của mỗi người dù bao nhiêu cũng đáng quý, tuy nhiên, bên cạnh đó, cộng đồng mạng cũng chỉ trích một số cá nhân sử dụng chiêu trò chỉnh sửa ảnh để tăng thêm số 0, khoe ủng hộ hàng chục, trăm triệu đồng... để làm hình ảnh, nhất là các cá nhân nổi tiếng trên mạng xã hội.
Những màn "check var" gây chấn động đã khiến nhiều người bức xúc, chỉ trích vì chiêu trò chỉnh sửa hình ảnh của một số cá nhân để "thổi phồng" số tiền đã ủng hộ, mục đích "phông bạt", đánh bóng tên tuổi trên mạng xã hội trong bối cảnh miền Bắc đang gánh chịu đau thương do bão, lũ lụt gây ra.
Chuyên gia tâm lý cho rằng, sự kỳ vọng và mong muốn đánh bóng tên tuổi bản thân, hay còn gọi là PR xây dựng hình ảnh bản thân trên mạng xã hội là một việc làm tốt nếu nó phục vụ những nhu cầu chính đáng đang và được xã hội chấp nhận, ủng hộ.
"Mạng xã hội có thể đưa bạn lên rất nhanh nhờ những hành động "tương trợ nghĩa hiệp", và cũng có thể dìm bạn xuống một cách khủng hoảng nếu phát ngôn sai một từ, hoặc đưa ra những thông tin không chính thống", TS. Giang Thiên Vũ chia sẻ.
Phát ngôn "vạ miệng" của Negav
Sau phát ngôn “mẹ có thấy đúng khi cho con nghỉ học chưa?” trước 20.000 khán giả có mặt trong đêm concert "Anh trai say hi", rapper Negav đã hứng làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng mạng. Các bạn trẻ thể hiện nhiều quan điểm xoay quanh chủ đề nghỉ học giữa chừng, nghỉ học sớm liệu có thành công sớm? Mặc dù đã có bài đăng xin lỗi nhưng những tranh cãi về đời tư và phát ngôn của nam rapper này đã từng là tâm điểm bình luận của cộng đồng mạng.
Check-in bằng camera giám sát
Nhiều nhóm thanh thiếu niên đã dừng xe máy ở khu vực cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương tạo dáng chụp ảnh để được camera giám sát ghi lại. Sau đó, những bạn này lên ứng dụng iHanoi để tải hình ảnh rồi cắt, ghép, thêm âm thanh và đăng lên các nền tảng mạng xã hội.
Khu vực cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương - nơi các bạn trẻ check-in nằm dưới lòng đường, dễ gây mất an toàn giao thông nếu có phương tiện không kịp thời né tránh.
Sau khi check-in bằng camera giám sát, những bạn này lên ứng dụng iHanoi để tải hình ảnh rồi cắt, ghép, thêm âm thanh và đăng lên các nền tảng mạng xã hội. Đáng nói, hành động nguy hiểm này lại được một số bạn trẻ chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội một cách vô tư, hồn nhiên mà không nghĩ tới những hậu quả có thể xảy ra nếu có nhiều bạn trẻ khác "đu trend".