Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai

TPO - Khi mang bầu, bạn nên đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống để chính mình và thai nhi đều khỏe mạnh.

> Luyện tập khi mang thai

1. Tăng cường chất sắt và vitamin C

Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu sắt ở phụ nữ tăng lên gần như gấp đôi. Bạn nên bổ sung chất sắt từ các loại thực vật như đậu xanh, a-ti-sô và đậu đỏ; và vitamin C từ trái cây tươi như cam, súp lơ xanh, dâu tây hoặc ớt chuông. Chất sắt sẵn có trong thực vật được hấp thụ ít hơn chất sắt trong thịt, cá và gia cầm. Tuy nhiên, vitamin C sẽ hỗ trợ cơ thể hấp thụ sắt. Bạn hãy thử kết hợp ngũ cốc tăng cường sắt và dâu tây.

2. Nhận biết các thực phẩm hạn chế hấp thu sắt

Một số loại thực phẩm như trà xanh, lòng đỏ trứng, sữa đậu nành có chứa hợp chất hạn chế sự hấp thụ chất sắt. Bạn không nên ăn các loại thực phẩm này kết hợp với thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt, thịt gia cẩm và cá để hấp thụ sắt tốt hơn. Phụ nữ mang thai cần lưu ý nhu cầu sắt tăng lên đáng kể từ 18 mg lên 27 mg/ngày.

3. Lựa chọn vitamin tổng hợp

Phụ nữ mang thai - đặc biệt là thời điểm dự định mang thai - nên bổ sung 400 micrograms axít folic, một loại vitamin B có tác dụng giảm nguy cơ khuyết tật thần kinh, từ nhiều loại thực phẩm như các loại rau lá xanh, quả họ cam và ngũ cốc. Lưu ý rằng hầu hết các viên vitamin tổng hợp đều chứa axít folic, tuy nhiên một số loại không cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho bà bầu. Do vậy, bạn hãy kiểm tra cẩn thận thành phần trên nhãn sản phẩm trước khi chọn mua.

4. Chú ý lượng nước

Uống đủ nước rất quan trọng giúp bạn tránh cảm thấy mệt mỏi và mất sức, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Uống nhiều nước cũng giúp bạn tiêu hóa tốt và chống táo bón. Bạn nên uống nước trong và giữa các bữa ăn để đảm bảo lượng nước trong cơ thể, hoặc nước ép hoa quả và sữa hàng ngày để tăng cường năng lượng và dưỡng chất.

5. Phòng ngừa táo bón

Phần lớn bà bầu đều bị chứng táo bón ở một thời điểm nào đó trong thời gian thai kỳ do hóc-môn thai nghén có thể làm chậm khả năng tiêu hóa, nguyên nhân gây ra chứng táo bón. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm dồi dào chất sơ như các loại rau củ, đậu, ngũ cốc và ngũ cốc nguyên cám, uống nhiều nước (từ 8 đến 10 cốc/ngày) để phòng ngừa táo bón.

6. Tránh ngộ độc thực phẩm

Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bạn cần rửa sạch các loại trái cây và rau củ trước khi sử dụng và đảm bảo các loại thịt được nấu chín. Rửa tay thường xuyên và vệ sinh các đồ dùng tiếp xúc với thịt sống bằng dung dịch tẩy rửa sau khi sử dụng.

Minh Châu
Theo msn

Theo Dịch