Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu, thường được gọi là các thành phần của mỡ máu hay chính xác hơn là lipid máu.
Sau khi ăn chất béo (mỡ), triglycerid và cholesterol được hấp thu vào tế bào ruột dưới dạng acid béo và cholesterol tự do (chuyển hóa lipid ngoại sinh). Trong cơ thể, các cholesterol cũng được tổng hợp tại các tế bào gan (chuyển hóa lipid nội sinh). Vì không tan trong nước, để tuần hoàn được trong huyết tương, các lipid phải được kết hợp với các protein dưới dạng phức hợp phân tử lớn gọi là lipoprotein. Có 6 loại lipoprotein khác nhau về tỷ trọng, nhưng có 2 loại được quan tâm nhất là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C: Low Density Lipoprotein Cholesterol) là một loại cholesterol có hại và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C: High Density Lipoprotein Cholesterol) là một loại cholesterol có ích.
Rối loạn chuyển hóa lipid máu khi có một hoặc nhiều các rối loạn sau: tăng cholesterol trong máu, tăng triglycerid máu, tăng LDL-cholesterol hoặc giảm HDL-cholesterol máu. Hiện tượng này nếu kéo dài gây xơ vữa động mạch, làm hẹp mạch máu và là nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch.
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng
Đa số các trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid máu là do dinh dưỡng, chế độ ăn quá nhiều mỡ động vật, quá nhiều thức ăn chứa nhiều cholesterol (phủ tạng động vật, mỡ động vật, trứng, bơ, sữa toàn phần...), chế độ ăn dư thừa năng lượng (béo phì), uống nhiều rượu, hút thuốc lá... Một số trường hợp có thể do di truyền, hoặc thứ phát sau một số bệnh như hội chứng thận hư, suy giáp, đái tháo đường, bệnh gan, mật...
Trong điều trị các rối loạn chuyển hóa lipid máu, để giúp giảm cholesterol máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành, chế độ ăn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
Giảm tổng năng lượng ăn vào trong ngày để giảm cân theo chỉ số khối cơ thể BMI nếu có thừa cân, béo phì, một số trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid nhẹ, bệnh có thể ổn định chỉ bằng chế độ ăn giảm cân.
Giảm năng lượng của khẩu phần ăn từng bước một, mỗi tuần giảm khoảng 300Kcal so với khẩu phần ăn của bệnh nhân cho đến khi đạt được năng lượng tương ứng với mức BMI.
Cần theo dõi cân nặng và BMI để điều chỉnh tổng lượng calo hàng tháng hoặc hằng tuần để đạt hiệu quả giảm cân cũng như duy trì cân nặng sau khi đạt BMI ở mức bình thường.
Giảm lượng chất béo (lipid) tùy theo BMI, chất béo chỉ nên chiếm 15 - 20% tổng năng lượng. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa (thịt mỡ, bơ, phomát, margarin...). Nên ăn các loại chất béo chưa bão hòa (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu vừng...) và ăn các hạt có dầu như: vừng, lạc, hạt dẻ, hạt bí ngô để cung cấp acid béo không no có nhiều nối đôi omega 3, omega 6. Nếu có điều kiện, nên bổ sung dầu cá thiên nhiên vì chứa nhiều acid béo không no.
Không ăn nhiều các thức ăn có cholesterol cao như lòng đỏ trứng, thịt có màu đỏ, sữa, gan, bơ, phủ tạng động vật...). Ăn cá nhiều hơn ăn thịt.
Hạn chế uống rượu.
Ăn nhiều rau quả (vì chúng làm hạ lượng cholesterol) như các loại táo, bưởi, cam, quýt, bắp cải, cải củ, cải bẹ, cải xanh, cà rốt, cà chua, cà tím, đu đủ, tỏi, hành ta, hành tây, gừng, ớt.