Chạy theo lợi nhuận, bỏ rơi văn hóa?

TP - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong buổi làm việc sáng 18/5 với Bộ VHTTDL nêu sáu nội dung tồn tại Bộ VHTTDL cần lưu tâm trong quá trình thay đổi tư duy quản lý. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ phàn nàn còn nhiều khó khăn, vướng mắc…
Tour 0 đồng làm méo mó môi trường du lịch Việt. Ảnh: Hoàng Dương.

Vướng mắc

Trong cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn đầu, một số cơ quan chuyên môn của Bộ VHTTDL nêu khó khăn, vướng mắc nổi cộm thời gian qua.

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh nói về thực tế không còn phim nhà nước đặt hàng trong ba năm liên tiếp. Nguyên nhân do Bộ Tài chính căn cứ quy định của Luật Điện ảnh về tuyển chọn nhà sản xuất phim. “Thông tư đấu thầu sản xuất phim soạn thảo trên 10 lần vẫn không được”, bà Lan nói. Tỷ lệ phim Việt sản xuất mỗi năm đều tăng, tuy nhiên doanh thu chỉ chiếm khoảng 28%. Cục cho rằng từ khi gia nhập WTO không có giới hạn hạn ngạch nên phim Việt không thể cạnh tranh được với phim ngoại.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Nguyễn Thế Hùng nêu ba vụ việc nổi cộm về vi phạm tu bổ di tích gần đây ở Tràng An, chùa Bổ Đà (Bắc Giang) và dựng tượng trên núi Bà Chúa Sứ. Ba địa phương đều có văn bản nhận trách nhiệm với Bộ vì buông lỏng quản lí. Bộ mới có văn bản đề nghị địa phương sớm hoàn thành việc tháo dỡ công trình vi phạm ở Tràng An.

Về bãi gửi xe ở lăng Khải Định và Tự Đức, Cục Di sản Văn hóa nêu lượng khách tăng 20-30% mỗi năm nhưng hầu hết không có chỗ đỗ xe, sau khi xin ý kiến Hội đồng di sản quốc gia xem xét, xác định diện tích không ảnh hưởng tới di sản.

Cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975 một lần nữa được NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhắc tới. Ông cho rằng khó biết có bao nhiêu ca khúc trước 1975, sắp tới Cục xem xét hướng sửa Nghị định để ca khúc nào không liên quan chính trị, không xâm phạm lợi ích dân tộc thì không cần cấp phép. Ông cũng thanh minh không có chuyện cấp phép Quốc ca như dư luận xì xào.

Phải thay đổi tư duy quản lý

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng chưa thấy sự thay đổi đáng kể trong các lĩnh vực thuộc Bộ VHTTDL: “Tôi cảm nhận ngành văn hoá đang quản lý theo lối cơ quan nhà nước hiểu đến đâu, năng lực đến đâu thì cho dân làm đến đấy”. Theo TS Cung, vấn đề nằm ở chỗ cách thức quản lý. Chẳng hạn cách kiểm duyệt điện ảnh hiện nay khó có sản phẩm mang tính tầm cỡ, hạn chế tư duy sáng tạo. Quy định “nhập khẩu phim phải có rạp” là quy định phi kinh tế và không chia sẻ rủi ro, làm khó cho doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường.

TS Cung phân tích, rào cản từ cách thức quản lý của ngành văn hoá hiện nay chính là không huy động hết nguồn lực của dân. “Di tích tương đối nhiều nhưng chưa khai thác được. Khách du lịch gia tăng chủ yếu nhờ cải cách ở thủ tục visa chứ chưa phải do chính sách trong ngành”, ông nói. Chưa kể tư duy quản lý “cho phép một số thứ” mà ông cho rằng nên thay đổi-những gì không bị cấm thì dân được làm. Hiện Bộ VHTTDL ban hành nhiều thông tư can thiệp nhiều việc bên dưới như yoga, dạy bóng đá gây buồn cười. “Đừng để một tờ giấy A4 làm cản trở rất nhiều thứ, cần thay đổi tư duy quản lý nhà nước”, TS Cung nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi 5 điểm sáng của Bộ, đồng thời lưu ý 6 tồn tại cần tập trung giải quyết. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Có tình trạng tận thu, ăn xổi, chộp giật, coi lợi nhuận là hàng đầu mà bỏ qua giá trị cốt lõi về lịch sử, văn hóa. Các biểu hiện này thể hiện ở một số vụ việc trùng tu di tích, vụ việc làng biển Nam Ô, san lấp lăng ở Huế. Một loạt nội dung khác cần lưu ý: Điện ảnh Việt phải cạnh tranh với phim nước ngoài ở rạp, làm sao tăng số lượng và chất lượng phim. Cục NTBD phân cấp quản lý nghệ thuật biểu diễn cho địa phương nhưng cũng cần cách thức quản lý hiệu quả hơn. Du lịch vẫn còn điểm nóng về tua du lịch 0 đồng, quản lý hướng dẫn viên... Thể thao cần kiện toàn ban lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá, công tác đào tạo vận động viên nguồn. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ quan tâm tới quản lý nhà nước về quảng cáo nhất là gần đây xuất hiện quảng cáo bạo lực, sai sự thật và vi phạm thuần phong mỹ tục.

“Tôi đề nghị Bộ tập trung xây dựng thể chế liên quan đến những đòi hỏi của xã hội, cái gì còn bất cập cần điều chỉnh theo hướng đổi mới tư duy và sáng tạo, cố gắng đừng thêm nhiều văn bản”, Bộ trưởng Dũng nói. Kết luận buổi làm việc, ông ghi nhận các ý kiến để báo cáo Thủ tướng, trong đó có vấn đề sớm công bố kết quả thanh tra cổ phần hoá hãng phim, báo cáo để thúc đẩy Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Bộ trưởng Dũng đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Có tình trạng tận thu, ăn xổi, chộp giật, coi lợi nhuận là hàng đầu mà bỏ qua giá trị cốt lõi về lịch sử, văn hóa. Các biểu hiện này thể hiện ở một số vụ việc trùng tu di tích, vụ việc làng biển Nam Ô, san lấp lăng ở Huế. Một loạt nội dung khác cần lưu ý: Điện ảnh Việt phải cạnh tranh với phim nước ngoài ở rạp, làm sao tăng số lượng và chất lượng phim. Cục NTBD phân cấp quản lý nghệ thuật biểu diễn cho địa phương nhưng cũng cần cách thức quản lý hiệu quả hơn. Du lịch vẫn còn điểm nóng về tua du lịch 0 đồng, quản lý hướng dẫn viên...

5 điểm sáng của Bộ VHTTDL theo đánh giá của Thủ tướng trong thực hiện các nhiệm vụ được giao: Làm tốt công tác xây dựng thể chế; tạo môi trường đầu tư kinh doanh, quản lý lễ hội có nhiều tiến bộ; thành tích về thể thao của đội U23; du lịch lần đầu tiên đón 13 triệu lượt khách quốc tế.