Nếu thoả thuận không được thông qua, đó sẽ là đòn giáng mạnh với Ukraine, vào thời điểm quân đội Ukraine yếu hơn về quân số và vũ khí đang chật vật trên chiến trường khi Nga mở cuộc tấn công mới, còn khoản viện trợ của Mỹ đã cạn kiệt.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng ông không phản đối việc châu Âu tài trợ cho Ukraine, nhưng nhấn mạnh rằng số tiền này không được lấy từ ngân sách của EU. Ngày 30/1, ông Orban nói rằng con số 50 tỷ euro là quá cao, đồng thời nhắc lại yêu cầu của ông rằng mọi thỏa thuận tài trợ đều phải được xem xét hằng năm. 26 nhà lãnh đạo EU khác phản đối đòi hỏi đó.
Nhiều lãnh đạo khác trong EU nghi ngờ rằng ông Orban đang sử dụng quyền phủ quyết của mình đối với khoản tài trợ cho Ukraine để ép Brussels cấp tiền cho Hungary.
Nếu ông Orban tiếp tục chặn khoản tài trợ 50 tỷ euro cho Ukraine, có thể 26 quốc gia thành viên còn lại sẽ tìm kiếm một thỏa thuận thay thế bên ngoài cấu trúc EU.
Nguồn tin ở Brussels nói với CNN rằng điều này rất có thể dẫn đến việc các chính phủ riêng sẽ gửi tiền trực tiếp đến Ukraine, thay vì thông qua EU. Họ nói rằng cách này sẽ tốn kém hơn và việc điều phối chi tiêu trở nên khó khăn hơn.
Có một số gợi ý rằng EU có thể tạo ra nguồn thu cho Ukraine từ các tài sản của Nga bị phong tỏa ở châu Âu.
Trước khi hội nghị diễn ra, Hungary cáo buộc Brussels gây sức ép, sau khi Financial Times đăng bài viết cho biết các quan chức EU đang lên kế hoạch đánh vào nền kinh tế Hungary nếu quốc gia này ngăn gói viện trợ.
“Brussels đang sử dụng biện pháp tống tiền Hungary như thể không có ngày mai, mặc dù thực tế là chúng tôi đã đề xuất biện pháp thỏa hiệp”, ông Balázs Orbán, một nghị sĩ Hungary viết trên mạng xã hội X, cùng ảnh chụp bài báo của FT.
Ông Balázs Orbán tô đậm một đoạn trong bài báo: “Brussels đã vạch ra một chiến lược nhằm đánh vào những điểm yếu kinh tế của Hungary, gây sức ép cho đồng tiền của nước này và khiến niềm tin của nhà đầu tư sụp đổ, nhằm tác động tới 'việc làm và tăng trưởng' nếu Budapest dùng quyền phủ quyết của họ đối với viện trợ cho Kiev”.
Bài viết của FT nói rằng nếu gói viện trợ không được thông qua, EU có thể rút tiền khỏi Hungary.
Hầu hết các nhà ngoại giao EU đều lạc quan rằng một số thỏa thuận sẽ được thông qua trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày, bất kể Hungary có đồng ý hay không.
Hội nghị diễn ra vào thời điểm cực kỳ quan trọng đối với Ukraine. Nhiều báo cáo liên tục khẳng định cuộc xung đột đang rơi vào bế tắc, còn binh lính cũng như các nhà lãnh đạo Ukraine đã kiệt sức.
Cũng có những lo ngại rằng Ukraine đang trượt khỏi chương trình nghị sự của phương Tây, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Trung Đông ngày càng mở rộng.
Kiev và các đồng minh cũng nhận thức sâu sắc về những thay đổi chính trị có thể xảy ra trong năm nay.
Cuộc bầu cử ở châu Âu vào tháng 6 được dự đoán sẽ mở đường để nhóm nghị sĩ cực hữu lớn nhất từ trước đến nay bước vào cơ quan lập pháp của EU.
Nhiều chính trị gia cánh hữu phản đối việc tài trợ cho Ukraine và một số người rất thân Nga.
Ukraine cũng đang rơi khỏi danh sách những vấn đề mà người châu Âu quan tâm nhất. Khi cuộc xung đột mới nổ ra, quan điểm của châu Âu khá đồng nhất trong việc ủng hộ Ukraine và duy trì như vậy trong thời gian dài. Tuy nhiên, theo khảo sát do Hội đồng Đối ngoại châu Âu công bố gần đây, các vấn đề khác như kinh tế, biến đổi khí hậu và nhập cư đang được người dân châu Âu quan tâm hơn.
Ngoài châu Âu, khả năng cựu Tổng thống Donald Trump quay lại Nhà Trắng có thể sẽ dẫn đến thay đổi lớn trong cách ứng xử với Ukraine và an ninh châu Âu nói chung.