Chất lượng, nguồn gốc đá lát vỉa hè: Chưa kiểm soát tốt, nên dừng

TP - Trước thực trạng nhiều vỉa hè Hà Nội nát bươm sau một thời gian ngắn, đặc biệt, hiện chưa có tiêu chuẩn cho đá lát vỉa hè, các chuyên gia cho rằng, nên dừng triển khai các dự án để tránh lãng phí. 
Đá lát bị vỡ trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) Ảnh: Đ.A

Tiêu chuẩn nào cho đá lát vỉa hè?

Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Minh Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định Vật liệu xây dựng (Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng - BXD) cho biết, hiện nay, Việt Nam có tiêu chuẩn TCVN 4732:2016 Đá ốp, lát tự nhiên. Đây là tiêu chuẩn chung để đánh giá, phân loại các nhóm đá ốp, lát được gia công từ đá khối thiên nhiên thuộc nhóm đá granit, đá thạch anh, đá hoa (đá marble), đá vôi, đá phiến và nhóm khác, dùng để ốp và lát các công trình xây dựng. Các sản phẩm đá ốp, lát này được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau bao gồm ốp, lát nội ngoại thất công trình xây dựng và cũng có thể dùng tham khảo cho đá lát vỉa hè. Theo bà Quỳnh, tiêu chuẩn riêng về đá lát tự nhiên để làm vỉa hè đang được Viện Vật liệu xây dựng biên soạn và dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Cũng theo bà Quỳnh, hiện nếu thi công, thực hiện có thể sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài (như tiêu chuẩn BS EN 1341:2012. Slabs of natural stone for external paving. Requirements and test methods - Các tấm đá tự nhiên để lát bên ngoài. Yêu cầu và phương pháp kiểm tra), theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư số 18/2010/TT-BXD quy định nguyên tắc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn xây dựng nước ngoài trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm định Vật liệu xây dựng, đá lát vỉa hè cần phải được lựa chọn độ dầy, khả năng chịu lực phù hợp, phụ thuộc vào tải trọng tác động lên vỉa hè (người đi lại, tần suất phương tiện giao thông,…) và cần được tính toán kết cấu tổng thể các lớp móng, lớp lót, lớp đệm và lớp đá lát trên cùng ngay từ khâu thiết kế vỉa hè. Nguyên nhân chính có thể gây nứt, vỡ, bong, tróc đá lát vỉa hè trong quá trình sử dụng như xuất hiện các tải trọng bất thường vượt quá tải trọng thiết kế (phương tiện giao thông dừng đỗ quá nhiều hoặc có chở hàng nặng đi đột ngột lên vỉa hè, …); chất lượng các lớp móng, lớp lót, lớp đệm phía dưới lớp đá lát không đảm bảo khả năng chịu tải theo thiết kế, có thể do thi công không đảm bảo như khả năng đầm chặt, độ bằng phẳng lớp nền, cường độ lớp nền và có thể bị ngấm nước trong quá trình sử dụng làm yếu đi; thiết kế cách sắp xếp vị trí, liên kết giữa các viên đá lát chưa phù hợp; chất lượng viên đá lát không đảm bảo khả năng chịu lực uốn, chịu mài mòn…

Ðề nghị dừng lát đá

Ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 (Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) cho rằng, không thể áp dụng tiêu chuẩn đá ốp lát tự nhiên để lát vỉa hè vì đá ốp lát trong nhà khác đá ốp lát ngoài trời. Vỉa hè Việt Nam không có khái niệm “chuyên” dành cho người đi bộ mà đang được dùng cho xe máy, ô tô dừng đỗ, đi lại.

Chuyên gia này cho hay: “Với các trường hợp thi công xây dựng chưa có tiêu chuẩn Quốc gia buộc phải sử dụng tiêu chuẩn của nước ngoài. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư xây dựng phải có quyết định chấp thuận quy định các tiêu chuẩn trong dự án (bao gồm các tiêu chuẩn của nước ngoài). Trong đó, người thiết kế, chịu trách nhiệm thiết kế có trách nhiệm lập chỉ dẫn kỹ thuật trên cơ sở các tiêu chuẩn đã được người quyết định đầu tư chấp thuận”, ông Thịnh cho hay.

Chuyên gia Lê Văn Thịnh cho biết, khoản 2, Điều 3 và Điều 19 Nghị định 46/2015/NĐ-CP (về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng) quy định, chỉ dẫn kỹ thuật là tập hợp các yêu cầu kỹ thuật dựa trên các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng cho công trình, thiết kế xây dựng công trình để hướng dẫn, quy định về vật liệu, sản phẩm, thiết bị sử dụng cho công trình. Chủ đầu tư phải phê duyệt chỉ dẫn kỹ thuật như phê duyệt thiết kế, đưa vào hồ sơ mời thầu. “Thành phố Hà Nội đã có tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu (Quyết định 1303/QĐ-UBND về việc ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”). Dựa trên cơ sở đó, Sở Xây dựng Hà Nội cần phải chủ trì đứng ra yêu cầu nhà thầu thiết kế viết ra chỉ dẫn kỹ thuật. Chỉ dẫn được phê duyệt sẽ áp dụng chung cho toàn thành phố. Không để quận, huyện đề xuất, rồi làm chủ đầu tư thực hiện các dự án”, ông Thịnh nói.

Trong trả lời PV Tiền Phong mới đây, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng viện dẫn Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội nhưng chưa có “chỉ dẫn kỹ thuật” như ông Thịnh đề cập. Cụ thể, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: “Sở Xây dựng Hà Nội không trực tiếp thực hiện lát đá tuyến nào mà chủ yếu là các quận, huyện đề xuất các tuyến lát, làm từ khâu thẩm định, thi công, nghiệm thu”.

Trước những nội dung mà Tiền Phong nêu cùng với ghi nhận thực tế tại các tuyến phố đang lát vỉa hè ở Hà Nội, PGS.TS Dương Vân Phong, giảng viên bộ môn Trắc địa Cao cấp, Đại học Mỏ Địa chất đề nghị nên dừng ngay triển khai các dự án lát đá. “Những công trình sử dụng đá là những công trình vĩnh cửu (hàng trăm năm). Nếu làm các công trình chỉ trong vài năm là lãng phí, tốn kém tiền thuế. Bộ mặt của Thủ đô kể cả đá lát không vỡ nhưng không thể gập ghềnh. Công việc lát đá vỉa hè về mỹ thuật là công việc hoàn thiện, về kỹ thuật là công trình chất lượng cao, cả hai đều không có thì không nên làm”, PGS. TS Phong nói.

Chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, cần phải dừng ngay việc triển khai các dự án lát đá để thanh kiểm tra từ vật tư, chất lượng đá, giá cả, nhân công, tư vấn… “Vỉa hè là bộ mặt của Thủ đô, tuy nhỏ nhưng tiêu tốn hàng trăm tỷ, làm vội vàng sẽ hư hỏng, gây lãng phí. Không thể đổ lỗi việc đá vỡ nứt do xe đi lên vỉa hè bởi có tuyến phố vỉa hè cao nhưng đá vẫn vỡ, xô lệch. Đối với vỉa hè phải có sự giám sát và phải xác định lại tiêu chuẩn đá lát”, ông Thủy nói.