Chất chồng uẩn khúc vụ án giết người

TP - Năm 2010, Tiền Phong đã đăng loạt bài “Chủ mưu giết người hay hình nhân thế mạng?”, nói về vụ án anh Nguyễn Đăng Công bị bắn chết rạng sáng 8-11-2008 tại TX Cẩm Phả - Quảng Ninh.

Trở lại bài báo“Chủ mưu giết người hay hình nhân thế mạng?”:

Chất chồng uẩn khúc vụ án giết người

> Chủ mưu giết người hay 'hình nhân thế mạng'?-Kỳ cuối
> Chủ mưu giết người hay 'hình nhân thế mạng'? - Kỳ 4
> Chủ mưu giết người hay hình nhân thế mạng? - Những uẩn khúc
> Chủ mưu giết người hay 'hình nhân thế mạng'?-Kỳ 1: Vụ giết người có tổ chức

Các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm xác định Ngô Tiến Long (SN 1974, trú tại Bình Liêu - Quảng Ninh) là người thuê đánh anh Công, tuy nhiên Tòa phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm đối với Long để điều tra và xét xử lại.

Theo hồ sơ của CQĐT, năm can phạm bị bắt cuối năm 2008 và đầu năm 2009 đã có hành vi: Ngô Tiến Long thuê người đánh anh Công để trả thù mâu thuẫn trong làm ăn; Từ Đức Cường nhận “đơn đặt hàng” của Long; Lê Đức Thắng giúp Cường tìm sát thủ; Nguyễn Trung Hiếu, Trần Văn Hưởng giúp Cường nghiên cứu địa bàn, chuẩn bị phương tiện...

Thời điểm năm người này ra Tòa, bốn sát thủ trực tiếp ra tay sát hại anh Công chưa bị bắt, song CQĐT đã xác định được một đối tượng, là Trần Quang Hùng (SN 1982, trú tại 26/174 Cao Thắng, Hồng Bàng, Hải Phòng).

Can phạm thứ sáu không nhận tội

Hùng chưa vợ, bố chạy xe ôm, mẹ bán hàng thịt. Tuy chưa tiền án tiền sự, Hùng thuộc loại giang hồ có số của đất Cảng. Sau thời gian dài lẩn trốn, Hùng bị bắt theo lệnh truy nã ngày 18-12-2010, khi đang nhâm nhi bữa sáng trên đường Trần Quang Khải (Hồng Bàng, Hải Phòng). Báo Hải Phòng đưa tin, lên xe đặc chủng, Hùng vẫn được 40 bạn bè, em út lẵng nhẵng bám theo, Công an Hải Phòng phải tăng cường lực lượng áp giải...

Ngày 23-8 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Quang Hùng. Trước Tòa, Hùng dạng chân, dõng dạc khẳng định không quen biết Cường, Hiếu, Hưởng, không tham gia vụ bắn người sáng 8-11-2008. Riêng Thắng (người khai rõ địa chỉ nhà, tên và đặc điểm bố, mẹ, chị của Hùng), Hùng khai “trông người này hơi quen quen”.

Căn cứ để CQĐT khẳng định Hùng thuộc nhóm sát thủ, là các kết quả nhận dạng, đối chất giữa Hùng và các bị án Cường, Thắng, Hiếu, Hưởng, đặc biệt là lời khai của Hiếu (trước khi Hùng bị bắt) về hình xăm trên ngực một trong bốn sát thủ khá phù hợp hình xăm trên ngực Hùng. Tuy nhiên, ra trước Tòa, hầu hết những người này đã phản cung, không thừa nhận quen biết Hùng.

Trả hồ sơ điều tra bổ sung

Luật sư Dương Xuân Tích (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh, được chỉ định bào chữa cho Hùng) đã cho Hùng đối chất tại Tòa với Thắng. Kết quả hai người này không nhận ra nhau, họ còn khai tại CQĐT, họ không ngồi đối mặt để đối chất, mà điều tra viên cho họ ngồi riêng ghi lời khai rồi “ghép” vào cùng một biên bản.

Kết thúc thẩm vấn, đại diện Viện KSND tỉnh Quảng Ninh giữ quyền công tố kết luận có đủ căn cứ khẳng định Hùng là một trong bốn sát thủ đã sát hại anh Công, theo đặt hàng của Cường; hành vi “giết người thuê” của Hùng đặc biệt nguy hiểm, đề nghị HĐXX tuyên “tử hình”. Luật sư bào chữa cho Hùng cho rằng chưa đủ căn cứ kết luận Hùng tham gia giết Công, đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, “do có những tình tiết mới xuất hiện, nhưng không thể điều tra làm rõ tại tòa”.

Ngô Tiến Long chưa được ra Tòa

Sau khi được tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra và xét xử lại, bị can Ngô Tiến Long - người một mực kêu oan trong vụ án này - không được cán bộ điều tra nào đến gặp, làm việc. Trong trại tạm giam, Long đã làm nhiều đơn khiếu nại...

Ngày 3-4-2011, Viện KSND tỉnh Quảng Ninh có “Thông báo trả lời đơn” gửi Long, cho biết ngày 12-10-2010, TAND Tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm của Long, để xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.

Tiếp nhận thông tin này, gia đình Ngô Tiến Long đã có nhiều đơn khiếu nại, gửi các cơ quan tố tụng và báo chí. Họ cho rằng Long không được nhận bản kháng nghị, và đến nay phiên tòa giám đốc thẩm chưa mở, là vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự.

Từ chối làm rõ list điện thoại?

Theo kháng nghị của TAND Tối cao (Phó Chánh án Đặng Quang Phương ký), việc điều tra lại nhằm làm rõ list điện thoại của các bị can và nhân chứng trong vụ án này là không cần thiết.

Nhiều người theo dõi vụ án, trong đó có PV Tiền Phong, nhận thấy nhận định trên của kháng nghị là chưa thỏa đáng. Trong vụ án này, lời khai của các bị can và các nhân chứng về việc Ngô Tiến Long chuyển 15 triệu đồng cho Từ Đức Cường có nhiều mâu thuẫn. Để xác định lời khai nào đúng sự thật, cần đối chiếu thời gian diễn ra sự việc với list điện thoại của họ.

Tại các phiên tòa, các luật sư bào chữa cho Ngô Tiến Long đề nghị CQĐT và Cơ quan công tố phải đưa vào hồ sơ tố tụng list điện thoại của Long (hồ sơ hiện không có), và list điện thoại đầy đủ của Từ Đức Cường (thay cho “list rút gọn” hồ sơ hiện có). Đây có thể là chứng cứ cột tội, cũng có thể là chứng cứ gỡ tội cho Long...

Có thể làm rõ đến từng phút

Kháng nghị của TAND Tối cao cho rằng, vì các bị can và nhân chứng khai thỉnh thoảng họ vẫn gọi điện cho nhau, nên việc tra cứu list điện thoại để xác định đầu tháng 11-2008 họ có gọi cho nhau không “cũng không phải là chứng cứ”.

Theo hồ sơ của CQĐT, cuối giờ chiều một ngày nào đó đầu tháng 11-2008, giữa các bị can Hùng, Cường, Long, Hiếu, và nhân chứng Cẩm, đã có hàng loạt cuộc gọi điện thoại, nhằm thực hiện việc đưa - nhận 15 triệu đồng. Đầu tiên Hùng gọi cho Cường, tiếp đến Cường gọi cho Long, tiếp đến Long gọi cho Cẩm, tiếp đến Long gọi lại cho Cường. Sau khi nhận cuộc gọi của Long, Cường lại gọi cho Hiếu, sau đó Hiếu gọi lại cho Cường hai lần. Xen giữa các cuộc đó, là một cuộc Cẩm gọi cho Ngô Thị Hương (chị gái Long).

Như vậy, theo hồ sơ, chỉ trong khoảng thời gian ngắn cuối ngày hôm ấy, đã có ít nhất 8 cuộc gọi giữa 5 người, theo một trình tự chặt chẽ, logic. Nếu việc đưa - nhận 15 triệu đồng giữa Long và Cường có thật, dựa vào list điện thoại của 05 bị can và nhân chứng đã nêu (CQĐT đều đã kịp thời rút list điện thoại của họ), sẽ phải kết luận chính xác không chỉ ngày giờ, mà chính xác đến từng phút sự kiện này.

Kháng nghị của TAND Tối cao nêu việc đưa - nhận tiền giữa Long và Cường diễn ra rất mơ hồ “đầu tháng 11/2008” mà không thể chỉ rõ ngày nào, đồng thời bác bỏ việc điều tra lại để làm rõ list điện thoại những người được coi là đã tham gia đưa - nhận tiền, khiến nhiều người e ngại hướng kháng nghị này sẽ đẩy xa cơ hội làm rõ lời kêu oan của bị can Ngô Tiến Long.

Theo Báo giấy