Một ngày với Nguyễn Văn Lâm là thức dậy từ sáng sớm, mặc đồ lao động và cùng làm việc với những công nhân tại trang trại nuôi gà. Ngoài điều hành chung, Nguyễn Văn Lâm còn là lao động chính kiêm phụ trách mảng kỹ thuật với những khâu khó nhất tại trang trại gà.
Theo đó, từ hình ảnh trang trại gà qua hệ thống camera tại khu điều hành, Lâm có thể giám sát toàn khu vực chăn nuôi gà. Ở khu vực nuôi nhốt được rải trấu và đệm lót sinh học, hạn chế tối đa sự xâm nhập của con người vào phía trong để tránh tiếp xúc, lây lan mầm bệnh từ nơi khác. Hàng ngày, đội ngũ công nhân đưa thức ăn dạng bột vào một máng lớn, vận hành theo dây chuyền để chuyển tự động vào trong cho gà ăn. Đây cũng là cách giảm được nhiều lao động trong việc đưa thức ăn trực tiếp trong các ô chuồng.
Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nên các quạt gió cỡ lớn ở đây được điều hành qua thiết bị điện thoại thông minh từ xa. Hệ thống cảm biến trong chuồng nuôi sẽ báo nhiệt độ và độ ẩm, tự vận hành hệ thống phun sương và làm thoáng khí tự động để duy trì điều kiện môi trường không khí phù hợp.
Đàn gà được nuôi theo hướng công nghiệp tại đây là gà lông trắng, chỉ với 45 ngày đã có thể bán thành phẩm. Nhờ ứng dụng quy trình hiện đại nên vấn đề môi trường ở trang trại gà ở đây được xử lý tốt.
“Với diện tích đất chạy dài ven đồi gần 4 ha, nhưng hàng chục năm qua, gia đình tôi chỉ trồng cây keo, một số cây ăn quả và chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhận thấy tiềm năng đất đai quanh nhà lớn nhưng chưa phát huy hết hiệu quả nên khi học xong phổ thông, tôi đã có suy nghĩ phát triển chăn nuôi, nông nghiệp, làm giàu ngay tại quê hương." - Lâm tâm sự.
Nghĩ là làm, Lâm lựa chọn Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa ở gần nhà, theo học chuyên ngành chăn nuôi. Tìm hiểu thực tiễn và những kiến thức được học là cơ sở để chàng trai xác định hướng phát triển mô hình chăn nuôi hiện đại.
Sau khi tìm hiểu và đấu mối thành công để liên kết chăn nuôi với một doanh nghiệp, năm 2019, Lâm huy động vốn tích cóp của gia đình và vay mượn thêm để xây hệ thống chuồng trại tiêu chuẩn với tổng chi phí 1,5 tỷ đồng. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, Lâm nhanh chóng chiếm lĩnh kỹ thuật và bảo đảm được các yêu cầu phía công ty liên kết đưa ra. Mỗi lứa gà xuất bán cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng, trả các chi phí cho phía công ty và nhân công lao động, còn lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng. Hai năm qua, lợi nhuận từ hoạt động nuôi gà đều đạt 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.
Ngoài hoạt động chăn nuôi, gia đình Lâm còn phát triển vườn cây ăn quả với hàng trăm gốc cam, bưởi, thanh long nhiều năm tuổi phủ khắp khu vườn đồi. "Tôi không chỉ muốn phát triển, làm giàu trên chính quê hương mình mà còn mong muốn lan tỏa những điều đã làm được để nhiều người có thể tham khảo, cùng phấn đấu" - Nguyễn Văn Lâm nói.