Học công nghệ nhưng lại mê sử
Nguyễn Nhật Huy (SN 2001, sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế) bắt đầu yêu thích, tìm hiểu lịch sử khi học chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế. Cậu tìm hiểu qua sách tham khảo mượn thư viện và tài liệu trên internet, ôn luyện để tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.
“Tôi từng nghĩ những trang đặc kín chữ trong sách giáo khoa lịch sử khô khan. Nhưng khi tiếp xúc và đọc nhiều hơn, tôi nhận ra những dòng sự kiện, con số như trỗi dậy kích thích sự tưởng tượng về chiến dịch, trận đánh... mang đến sự hào hứng. Tôi cũng đặt những câu hỏi vì sao sự kiện lại xảy ra, tại sao lại như thế? Và rèn luyện kỹ năng suy luận, liên kết để có sự nhanh nhạy, nhớ lâu hơn", Huy chia sẻ.
Niềm yêu thích lịch sử đã dẫn lối Huy đến với cuộc thi Tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” và trở thành học sinh duy nhất của Thừa Thiên - Huế tranh tài ở vòng chung kết toàn quốc. Huy kể, nhờ kiến thức trên sách vở mà hiểu hơn sự liên quan giữa tên đường, tên phố, biết thêm những danh nhân, những câu chuyện hay nhân vật, sự kiện gắn với địa danh, di tích... ở thành phố Huế nói riêng và đất nước nói chung để thêm trân trọng, tự hào. "Tôi thấy thấm hơn và càng thấy giá trị trong lời dạy của Bác là Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam trong xu thế hội nhập, không để bị hòa tan”, Huy bộc bạch.
Theo đuổi sở thích lịch sử, Huy có cơ hội tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp, những câu chuyện về phong cách, đạo đức của Bác. Cùng với những bài học trên lớp, Huy đọc kỹ nhiều tác phẩm của Bác, như: Nhật ký trong tù, Tuyên ngôn độc lập, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Di chúc, Dân vận, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân... Cậu ghi chú những điểm, câu nói ấn tượng thành các tệp để lúc rảnh rỗi đọc, ngẫm nhớ lâu hơn.
Huy tìm đến một số địa điểm di tích về Bác hoặc liên quan đến gia đình Bác tại Thừa Thiên - Huế, trong đó có tòa Khâm sứ Trung kỳ- nay là trường ĐH Sư phạm Huế, nơi Bác khi đang là học sinh Trường Quốc học Huế đã tham gia phong trào chống thuế tháng 4/1908.
Học Bác sự giản dị, kiên trì
Chàng trai công nghệ Nguyễn Nhật Huy tâm đắc nhất lời dạy trong Di chúc của Bác: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục, đào tạo cho họ, đào tạo thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
“Tôi rất xúc động khi những dòng di chúc của Bác vẫn tiếp tục thể hiện sự quan tâm, khích lệ và đánh giá cao vai trò của những người trẻ. Từ đó, tôi nhận thấy bản thân cần trách nhiệm hơn, phấn đấu hơn trong cuộc sống và học tập”, Huy nói.
Huy đã vận dụng những bài học từ Bác vào học tập và cuộc sống. Cậu học Bác ở đức tính giản dị, tiết kiệm và tinh thần “không có việc gì khó”. Huy từng từ chối việc bố mẹ mua xe đạp điện để đi xe đạp cũ của anh chị. Sau này đi xe máy là xe cũ của bố. Điện thoại, máy vi tính đều được cậu giữ gìn, sử dụng cẩn trọng. “Gia đình tôi sống bằng nghề làm nón, không quá nhiều điều kiện, lại phải lo cho các con ăn học. Do đó, tôi muốn tiết kiệm để san sẻ vất vả với bố mẹ, bởi những vật dụng, thiết bị đó vẫn dùng tốt", Huy chia sẻ.
Còn về tinh thần “không có việc gì khó”, Huy nhớ đến lần có ý định bỏ tham gia vòng Chung kết cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020, bởi rất sát thời điểm thi cuối kỳ ở trường. “Ngày thi vòng chung kết quá sát lịch thi cuối kỳ ở trường. Chính bài học “chỉ sợ lòng không bền” của Bác đã thôi thúc tôi quyết tâm tham dự vòng chung kết, nỗ lực đoạt giải cao, rồi gấp rút trở về thi cuối kỳ”, Huy chia sẻ.
Nguyễn Nhật Huy sở hữu nhiều giải thưởng gắn liền với chuyên ngành kỹ thuật phần mềm như: giải Nhì Olympic Tin học sinh viên Việt Nam 2019, giải Nhất kỳ thi ICPC khu vực miền Trung năm 2020 và giải Ba toàn quốc năm 2020, giải Khuyến khích Olympic Tin học toàn quốc năm 2020…